thay vì thái độ hiếu dâm, đáng trách mà báo chí tự động dành cho các
nạn nhân của những dòng tít đó.
Nhưng thực tế, chẳng có gì trong các nhân vật trên khiến họ bắt
buộc phải là đối tượng của sự quan tâm hay trọng thị. Việc chúng ta
coi các nhân vật thất bại huyền thoại này là cao quý lại chẳng mấy liên
quan đến các phẩm chất cá nhân của họ mà hầu như mọi thứ đều phụ
thuộc vào việc những người sáng tạo ra họ và ghi chép về họ dạy ta
cách nhìn nhận họ ra sao.
Có một loại hình nghệ thuật cụ thể, kể từ khi ra đời, chỉ chuyên
thuật lại những câu chuyện về sự thất bại lớn lao mà không cần viện
đến lời mỉa mai hay phán xét. Trong khi vẫn buộc các nhân vật phải
gánh trách nhiệm cho hành động của mình, thể loại này vẫn thành
công trong việc mang đến và gợi nên cho những người dính dáng vào
các tai họa đó - những chính khách sa cơ thất thế, kẻ sát nhân, kẻ vỡ
nợ, những người bị cưỡng bức về cảm xúc - một mức độ đồng cảm là
nghĩa vụ của, nhưng hiếm khi được mở rộng cho, tất cả con người.
2.
Từ khi ra đời ở các hý trường của Hy Lạp cổ đại vào thế kỷ 6 trước
Công nguyên, bi kịch vẫn theo sát một nhân vật chính - thường là ai
đó dòng dõi cao quý, một vị vua hay một chiến binh nổi tiếng - từ lúc
thành công và được xưng tụng đến khi đổ đốn và ô nhục, một sự
xuống dốc luôn phát sinh từ một vài lỗi lầm nào đó của chính anh ta.
Việc kể chuyện đó - tức là cách nó được kể - nhằm khiến khán giả vừa
do dự khi lên án nhân vật chính vì những gì đã xảy đến với anh ta, vừa
trở nên khiêm nhường trước việc nhận ra họ dễ dàng bị tàn phá ra sao
nếu đặt mình vào hoàn cảnh tương tự.
Nếu như báo chí, với kho từ vựng về những kẻ lệch lạc và lập dị,
những người thất bại và thua cuộc, nằm ở một đầu phổ hiểu biết này,
thì thể loại bi kịch cổ điển nằm ở đầu bên kia. Với tham vọng bắc
những cây cầu giữa kẻ tội lỗi và người không đáng trách, với việc