công đó không còn được gán bằng “may mắn”, “thiên mệnh” hay “ý
Chúa” như trong các xã hội quá khứ chính là sự phản ánh của đức tin
thế tực tập thể mà giờ đây chúng ta có thể đặt vào đó sức mạnh ý chí
cá nhân. Những thất bại về tài chính cũng bị đánh giá theo cách tương
tự, kẻ thất nghiệp phải mang một nỗi hổ thẹn giống như những kẻ nhút
nhát trong thời của chiến binh. Trong khi đó, tiền được đầu tư cùng
với một phẩm chất luân lý. Còn phẩm lượng mang tính tương đối của
nó biểu hiện phẩm hạnh của người sở hữu, cũng như hàng hóa vật chất
nó có thể mua. Giống như vòng cổ bằng răng báo của người Cubeo,
một cuộc đời thịnh vượng báo hiệu các giá trị, trong khi việc sở hữu
một chiếc xe cũ hoen gỉ hay một ngôi nhà xơ xác có thể thôi thúc
những giả thiết về sự khiếm khuyết đạo đức. Bên cạnh hứa hẹn về địa
vị cao, sự giàu sang còn được khích lệ dựa trên khả năng mang đến
hạnh phúc của nó nhờ việc trao cơ hội tiếp cận vào một chuỗi các tiện
nghi và xa xỉ phẩm liên tục thay đổi, mà cái ý nghĩ về việc thiếu vắng
chúng trong cuộc đời hạn hẹp của những thế hệ trước có thể gợi lên
trong ta lòng thương cảm và nỗi băn khoăn.
2.
Cho dù một lý tưởng về địa vị như thế có thể hiện ra tự nhiên thế nào,
dĩ nhiên - như một nhãn quan chính trị chín chắn phải chỉ ra được - lý
tưởng ấy chỉ là tác phẩm của con người, một sự phát triển mới bắt đầu
từ giữa thế kỷ 18, ra đời nhờ một nhóm các thành tố có thể xác định
rõ. Hơn nữa, nhãn quan chính trị đó cho biết thêm, nếu xét như là một
lý tưởng, đôi khi nó ngờ nghệch, đôi lúc bất công và không bao giờ
tránh khỏi sự thay đổi.
Không khía cạnh nào của lý tưởng hiện đại lạ kỳ ấy bị soi xét
nhiều bằng mối liên kết nó tạo dựng giữa hai bên, một bên là của cải
và phẩm hạnh, và bên kia là nghèo khó và sự hồ nghi về đạo đức.
Trong The Theory of the Leisure Class (Lý thuyết của tầng lớp an
nhàn) (1899), Thorstein Veblen xem xét sự trỗi dậy của giá trị tài