thống địa vị đó hỏi, tại sao một thất bại trong thu thập của cải lại được
coi là dấu hiệu về một con người dứt khoát phải có tì vết, thay vì bằng
chứng cho một sự thiếu hụt ít nhiều, hay thậm chí một vấp ngã, trong
một khía cạnh cụ thể của kế hoạch phức tạp hơn, to lớn hơn nhằm
hướng tới một cuộc đời tốt đẹp? Tại sao giàu có và nghèo khó lại phải
được xem là hai biển chỉ đường xác đáng cho đạo đức con người?
Hóa ra, những lý do chẳng có gì bí ẩn. Chính hành động kiếm
tiền thường đòi hỏi những đức tính tốt về nhân cách. Làm việc và trụ
việc với bất cứ công việc nào cũng đòi hỏi trí thông minh, nghị lực, sự
suy tính trước sau và khả năng hợp tác với người khác. Vị trí càng
sinh lợi nhuận, yêu cầu năng lực càng cao. Luật sư và bác sĩ phẫu
thuật không chỉ kiếm được lương cao hơn những người quét dọn
đường phố; về căn bản công việc của họ cũng đòi hỏi nỗ lực bền bỉ và
kỹ năng phức tạp hơn.
Một người lao động công nhật “sẽ xấu hổ khi xuất hiện nơi công
cộng mà không có một chiếc sơ mi bằng vải lanh,” Adam Smith viết,
vì (ta trở lại đoạn văn của ông, lần này bằng chữ nghiêng) việc không
có một chiếc áo như vậy sẽ hàm ý mức độ nghèo khó mà, những
người cùng thời với Smith cảm thấy chắc chắn, “không ai có thể rơi
vào nếu không có hạnh kiểm cực kỳ tồi tệ.” Chỉ có những tay nát rượu,
những kẻ không đáng tin, những tên trộm hay bướng bỉnh như trẻ con
mới không có khả năng đảm bảo được một công việc khiêm nhường
đủ để có tiền mua chiếc sơ-mi vải lanh - nếu mặc định rằng việc sở
hữu thứ áo ấy có thể đủ được xem là sự bảo đảm tối thiểu về nhân
cách tốt.
Từ đây, chỉ cần một bước nhảy ngắn về trí tưởng tượng, ta có thể
đặt ra giả thiết rằng hạnh kiểm cực tốt và một sự phân loại phẩm hạnh
cốt ở việc mua một tủ đầy áo sơ-mi vải lanh, những đội du thuyền, các
biệt thự tráng lệ và trang sức bằng đá quý. Chính khái niệm “biểu
tượng địa vị”, chỉ một đối tượng vật chất đắt giá đem lại sự tôn trọng
cho chủ nhân của nó, dựa trên một quan niệm rộng hơn và không phải