Mặc dù vậy, kiểu hoài nghi như thế khó tương hợp với những nhu
cầu của đời sống thường ngày. Thật dễ dàng hiểu được cái mong muốn
có được hệ thống nào đó, giả dụ là giáo dục hay kinh tế, đảm bảo cho
chúng ta việc chọn được ra một vài người xứng đáng nhất trong một
tầng lớp hay trong xã hội, và đổi lại, lọc bỏ những kẻ ít xứng đáng
nhất, tức là những loser, theo nghĩa lương tri.
Nhưng một mong muốn cấp bách không phải là sự bảo đảm cho
một giải pháp vững chắc. Trong The Intelligent Woman’s Guide to
Socialism and Capitalism (Hướng dẫn của phụ nữ thông minh về chủ
nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản) (1928), George Bernard Shaw kết
luận rằng các xã hội tư bản hiện đại đã dàn xếp một phương tiện cùn
nhụt nhằm xác định hệ thứ bậc về kinh tế: một hệ thống mà tôn chỉ cơ
bản là “nếu mọi người được phép kiếm nhiều tiền hết mức có thể cho
bản thân theo cách riêng của anh ta, chỉ cần tuân theo những luật lệ
nhằm hạn chế sự cưỡng bức thô bạo và gian lận trực tiếp, thì của cải sẽ
tự động phân phối tỉ lệ theo tính siêng năng, sự đúng mực và nói
chung là phẩm hạnh của các công dân, người tốt trở nên giàu có còn
người xấu sẽ nghèo đi .”
Hoàn toàn ngược lại, Shaw tiếp tục, người ta đã chứng tỏ rất rõ
ràng rằng dưới chế độ tư bản, bất cứ một người tham vọng, nhẫn tâm
nào cũng có thể “thu lấy ba hay bốn triệu bảng cho mình bằng cách
bán whiskey kém chất lượng, hay đầu cơ vụ gặt lúa mì và bán với giá
gấp ba lần chi phí, hay xuất bản những tờ báo và tạp chí ngớ ngẩn
đăng những dòng quảng cáo dối trá,” ngay cả khi “những người đứng
đắn vận dụng những năng lực quý báu hay liều tính mạng của họ để
quảng bá tri thức và phúc lợi” rốt cuộc phải sống trong cảnh nghèo
hèn.
Nghĩa là, Shaw không muốn tự xếp mình vào loại người cảm tính
nghiêng về bên trái hay bên phải những kẻ thích tuyên bố rằng trong
xã hội được bố trí như hiện tại, những người tốt luôn trở nên nghèo và
người xấu trở thành giàu - một công thức cũng đơn giản không kém