nghịch đảo của nó. Thay vào đó, ông tìm cách khơi dậy trong độc giả
một cảm thức về việc thật hẹp hòi làm sao khi tìm cách đánh giá ai đó
về đạo đức dựa trên tiền lương, và sẽ cao thượng hơn thế nào khi xem
xét nhiều hậu quả có thể xảy ra từ sự khác biệt giàu nghèo.
Trong Unto This Last (Cho đến kẻ cuối cùng) (1862), John
Ruskin, cũng giống như Shaw sau này, có ý định thách thức các ý
tưởng về nền tinh anh trị, dùng những từ ngữ chế nhạo nặng nề để đưa
ra những kết luận mà ông đạt đến có liên quan đến những tính cách
của người giàu và người nghèo, sau hàng trăm cuộc gặp gỡ với các đại
diện từ cả hai nhóm ở nhiều nước trong bốn thập niên: “Những người
trở nên giàu có, nói chung đều chăm chỉ, quyết đoán, kiêu hãnh, tham
lam, có động lực, có phương pháp, nhạy cảm, thiếu tưởng tượng, vô
cảm và ngờ nghệch. Những người còn nghèo là những người hoặc dốt
nát hoàn toàn hoặc khôn ngoan hẳn, nhàn rỗi, vô lo, nhún nhường,
nhiều suy nghĩ, đần độn, ưa tưởng tượng, nhạy cảm, biết nhiều
chuyện, hoang phí, tinh quái thất thường và bốc đồng, đểu giả vụng
về, trộm cắp công khai, và nhân ái, thánh thiện hẳn.” Nói cách khác,
theo kinh nghiệm của Ruskin, không có sự phân loại những người đó
rốt cuộc là giàu hay nghèo - tức là với chúng ta, nếu đi theo thông điệp
được rao giảng trước tiên bởi Jesus Kitô và sau đó được các nhà tư
tưởng chính trị suốt thế kỷ 19 và 20 nhắc lại theo một lối diễn đạt thế
tục, thì ta không có đặc quyền để gán danh dự chủ yếu dựa trên thu
nhập. Vô vàn những sự kiện bên ngoài và những tính cách bên trong
sẽ tạo nên một người thì giàu có còn người kia thì nghèo túng, giữa họ
còn có vận may và tình cảnh, bệnh tật và nỗi sợ hãi, tai nạn và xuất
phát muộn, biết chọn thời cơ và sự rủi ro.
Ba thế kỷ trước Ruskin và Shaw, Michel de Montaigne đã nhấn
mạnh tương tự tầm quan trọng của các thành tố ngẫu nhiên trong việc
quyết định kết quả của cuộc đời. Ông khuyên ta nhớ đến vai trò của
“vận may trong việc ban tặng vinh quang cho chúng ta tùy theo ý
muốn ngẫu hứng của nó: Tôi vẫn thường thấy cơ may tung tẩy đi