thú rừng, ngủ trong những lều vải và sở hữu rất ít. Năm này qua năm
nọ, họ vẫn mang cùng tấm da và đôi giày. Ngay cả tộc trưởng cũng
không có gì nhiều nhặn hơn một ngọn giáo và vài cái hũ. Nhưng người
ta cho rằng họ có một mức độ hài lòng thật ấn tượng giữa đời sống
giản dị đó.
Tuy nhiên, chỉ trong vài thập niên sau khi những người châu Âu
đầu tiên đổ bộ, hệ thống địa vị của xã hội Mỹ châu bản địa đã đảo
ngược qua sự tiếp xúc với những sản phẩm về công nghệ và kỹ nghệ
của người châu Âu. Thứ quan trọng nhất không còn là sự thông thái
hay sự hiểu biết của một cá nhân về đạo của tự nhiên, mà là việc anh
ta sở hữu những vũ khí, đồ trang sức và rượu whiskey. Những người
Anh Điêng giờ đây mong mỏi có được đôi hoa tai bạc, vòng đeo bằng
đồng và đồng thau, những nhẫn thiếc, vòng cổ làm bằng thủy tinh
Venice, dụng cụ đục băng, súng, chất cồn, ấm nước, chuỗi hạt, cuốc và
gương soi.
Những nhiệt huyết mới này không tự động phát triển. Những nhà
buôn châu Âu cố ý khơi dậy các khao khát ở người Anh Điêng để
khuyến khích họ cung cấp những tấm da thú mà thị trường châu Âu
cần đến. Đến năm 1690, một nhà tự nhiên học người Anh, đức cha
John Banister, ghi chép rằng người Anh Điêng ở vùng vịnh Hudson đã
bị đám lái buôn mồi chài để rồi ham muốn ‘nhiều thứ họ chưa từng
muốn trước đó, vì họ chưa từng có chúng, nhưng nhờ buôn bán mà giờ
đây lại vô cùng cần thiết với họ.” Hai thập niên sau, một nhà du hành
có tên Robert Beverley chứng kiến, “Những người châu Âu đã mang
đến sự xa xỉ cho người Anh Điêng, nhân lên gấp bội những thèm
muốn của họ và tạo cho họ khao khát cả ngàn thứ họ thậm chí chưa
từng mơ đến.”
Thật không may, hàng ngàn thứ ấy, tuy được thèm muốn mãnh
liệt, lại dường như không giúp người Anh Điêng hạnh phúc hon. Rõ
ràng, họ lao động cực hơn: chẳng hạn, từ năm 1739 đến 1759, người ta
ước tính hai ngàn chiến binh tộc Cherokee đã giết 1,25 triệu con dê để