Chúng ta có thể cảm thấy buồn rầu không kém, hoài nghi không
kém về giá trị của những thành tựu phù du và những nghĩa lý nhất
thời, nếu ta xem xét bức ảnh những người tham dự một hội nghị của
Công ty Heinz
tổ chức ở Chicago vào mùa xuân 1902. Hình ảnh về
tất cả những con người nghiêm nghị ấy, mỗi người ấp ủ một dự định
về việc tăng doanh số tương cà và hoa quả dầm trong những cửa hàng
khắp nước Mỹ, hẳn là đủ để làm chúng ta rơi nước mắt trước nỗi cay
đắng của vua Xerxes của Ba Tư.
Tất nhiên, sự bôi xóa tất yếu những nỗ lực trần thế của chúng ta
trước bàn tay tử thần đã được báo trước trong những nhiệm vụ khác
bên việc chinh phục các quốc gia hay xây dựng thương hiệu. Quan sát
một người mẹ dạy đứa trẻ má lúm đồng tiền thắt dây giày, chúng ta
khiếp hoảng trước viễn cảnh cả hai rồi cũng đều kết thúc bằng những
đám tang. Tuy vậy, ta có thể kết luận rằng việc nuôi nấng một đứa trẻ
là cách hiệu quả để đánh lừa thần chết hơn là việc bán đồ gia vị, hay
việc giúp đỡ một người bạn có ích hơn việc dẫn dắt một đạo quân.
“Phù phiếm của Phù phiếm, tất cả là Phù phiếm,” tác giả của
Ecclesiastes
(1:2) ta thán. “Một thế hệ qua đi, và thế hệ khác tới; còn
thế gian vẫn mãi trường tồn (1:4).” Tuy thế, như các nhà đạo đức Kitô
giáo sẽ biện luận, có lẽ không phải mọi thứ đều hão huyền như nhau.
Ở một số nơi trong thế giới Kitô giáo, bắt đầu vào thế kỷ 16, một loại
hình nghệ thuật mới và rất đặc thù phát sinh, thu hút trí tưởng tượng
của tầng lớp yêu nghệ thuật trong suốt hai trăm năm kế tiếp. Những ví
dụ về “vanitas art” (trường phái nghệ thuật hư không), được đặt tên
như vậy để tỏ lòng tôn kính Giảng viên thư, được treo trong không
gian gia đình, thường là trong phòng làm việc và phòng ngủ. Mỗi bức
tranh tĩnh vật ấy khắc họa một cái bàn hay cái tủ, trên đó bày biện một
mớ những đồ vật tương phản. Chúng có thể là bông hoa, những đồng
xu, cây đàn ghi ta hay măng đô lin, các quân cờ, quyển thơ, vòng
nguyệt quế hay chai rượu: các biểu tượng của thứ vinh quang thế tục