đến cùng đề tài:
Khi lòng tự trọng, hay sự xu nịnh của người khác,
Gian manh thuyết phục rằng ta là gì đó
Nằm phía trên thang bậc chung của giống loài
Ngôi mộ phủ nhận sự phỉnh ngọt kia
Và với chân lý phũ phàng, nói cho ta biết ta là gì.
Thông điệp này được nhắc lại bởi thi sĩ xuất sắc nhất của Trường
phái Nghĩa địa, Thomas Gray, trong “Elegy written in a Country
Churchyard” (Khúc bi thương viết trong nghĩa trang miền quê) (1751)
của ông:
Sự phô trương của huy hiệu, vẻ tráng lệ của cường quyền,
Và tất cả vẻ đẹp ấy, tất cả của cải từng mang lại,
Đều chờ đợi thời khắc chung quyết.
Những con đường vinh quang cũng chỉ dẫn tới nấm mồ.
Những ai từng bị xã hội ngược đãi có thể tìm thấy một sự trả thù
ngọt ngào, đầy toan tính trong việc mong chờ cái kết không thể tránh
khỏi của một vài thành viên nhất định trong xã hội.
Tương tự, một số họa sĩ cũng thích thú mô tả nền văn minh của
chính họ trong một khung hình tương lai đổ nát, như một lời cảnh báo
và trả đũa dành cho những nhà giám hộ khoa trương của thời đại. Đặc
biệt hứng thú là họa sĩ thế kỷ 18, Hubert Robert, vẽ những tòa nhà kỳ
vĩ của nước Pháp hiện đại trong đống đổ nát, nhờ đó ông có biệt hiệu
Robert des Ruines (Robert Điêu tàn). Trong khi đó, bên kia eo biển
Manche, người cùng thời với Robert là Joseph Gandy cũng có một
biệt danh nhờ vẽ chân dung Ngân hàng Anh với trần nhà bị sập.