bản thân mình ra khỏi đó. Cộng đồng càng suy đồi, sức quyến rũ của
thành tựu cá nhân càng mạnh mẽ.
Ngay từ buổi đầu, Kitô giáo đã cố gắng đề cao, cả trong thực tiễn
lẫn trên lý thuyết, cái giá trị của việc đặt những tín đồ của nó thuộc
vào một cộng đồng. Có một cách đáng chú ý để đạt được điều đó là
thông qua việc lặp lại những nghi thức, từ cách ngôn trong buổi cầu
nguyện cho tới việc hát thánh ca, mỗi thứ đều là một cơ hội cho một
lượng đông đảo những người dự lễ không họ hàng thân thích kia thấy
giảm bớt mối nghi ngờ của mình về người khác nhờ một trung gian
siêu nghiệm.
Âm nhạc dù trong bất kỳ hình thức nào đều có thể là một thứ
công bằng vĩ đại. Chẳng hạn, ta có thể tưởng tượng tham gia vào một
giáo đoàn không quen biết bên trong những bức tường của một thánh
đường để nghe Mass in B Minor (Thánh lễ cung si thứ) của Bach (“tác
phẩm âm nhạc vĩ đại nhất của mọi dân tộc và mọi thời đại,” theo quan
điểm Hans-Georg Năgeli viết năm 1817). Nhiều thứ có thể chia tách
chúng ta: tuổi tác, thu nhập, trang phục và nền tảng xuất thân. Chúng
ta có thể chưa từng bắt chuyện với ai, và có thể dè chừng không muốn
bất cứ ai bắt gặp ánh mắt mình. Nhưng khi bản “Thánh lễ” vang lên,
thì cũng bắt đầu một quá trình giả kim thuật xã hội. Âm nhạc truyền
tải những cảm xúc mà cho đến nay dường như vẫn nguyên sơ và mang
tính cá nhân, và đôi mắt ta có thể ướt nhòa những giọt lệ khuây khỏa
và hàm ơn vì món quà mà nhà soạn nhạc và các nhạc sĩ mang đến cho
ta bằng cách tạo nên những rung động có thể nghe được cho tâm hồn
tập thể tính của chúng ta, và do đó có thể hiện hữu đối với ta và những
người khác. Những cây vĩ cầm, tiếng hát, sáo tây, công bát, kèn ô-boa,
kèn pha-gốt và trumpet cùng hợp nên những âm thanh đánh thức
những khía cạnh bí mật nhất, sâu kín nhất trong tâm trí ta. Hơn nữa,
bản chất công cộng của cuộc trình diễn giúp chúng ta nhận ra rằng nếu
những người xung quanh đang phản ứng với âm nhạc giống như ta, thì
họ không thể là những con người bí ẩn không thể đoán biết được như