Kể từ đó tôi hay để ý những khoảnh khắc thay đổi lẻ tẻ của cháu. Một buổi
sáng cháu dọn giường mà không phải nhắc nhở, một sáng khác, cháu thay đồ
chỉnh tề trước khi ăn sáng. Dường như tôi càng tìm kiếm những ưu điểm của
cháu thì cháu lại càng dễ tiến bộ hơn.
* * *
Tôi đã từng hay vận hành theo hệ thống thưởng. Bất cứ khi nào lo lắng
Melissa có thể không cư xử tốt là tôi liền nói, “Nếu con ngoan mẹ sẽ mua kem
cho con, hoặc sẽ mua một món đồ chơi mới... hoặc bất kỳ cái gì.” Melissa sẽ
ngoan đúng một lần đó nhưng sau đấy tôi buộc phải hứa thưởng cho nó vào lần
tới.
Gần đây tôi không nói “Nếu con ngoan, mẹ sẽ...” nữa. Thay vào đó tôi nói,
“Melissa, sẽ hữu ích cho mẹ nếu...” Và khi bé làm gì đó hữu ích, tôi cố mô tả
việc đó trở lại cho bé biết.
Ví dụ tuần trước, tôi bảo bé sẽ hữu ích nếu bé làm cho ông bà cảm thấy được
chào đón khi họ tới thăm. Chủ nhật khi ông bà đến, bé rất vui với họ. Sau khi
ông bà về, tôi bảo bé “Melissa, con làm cho ông bà rất vui khi ở đây. Con đã kể
chuyện tếu, chia kẹo Halloween cho ông bà, và chỉ cho ông bà xem bộ sưu tập
giấy chewing gum của con. Mẹ gọi đó là lòng mến khách!” Mặt Melissa sáng
bừng lên.
Theo cách cũ, bé cảm thấy dễ chịu trong khoảnh khắc bởi vì bé được nhận
phần thưởng. Với phương pháp mới này, bé cảm thấy vui vì bé là một người tốt.
Thường thì trẻ em có thể sử dụng lời khen vào những lúc có vẻ như chúng ta
ít khen trẻ nhất – khi chúng làm gì đó không tốt. Trong hai ví dụ sau đây bạn
sẽ thấy cha mẹ khen trong những tình huống khó khăn.
Năm ngoái (năm học lớp ba) chữ viết trong vở của Lisa rất kinh khủng. Giáo
viên thông báo điều đó cho tôi biết. Tôi cảm thấy như chính mình bị phê bình
vậy. Thế là mỗi tối tôi bắt đầu chỉ ra cho Lisa thấy bé lười làm bài tập về nhà