khi tôi cũng cần xem Kate là đứa con nít bé bỏng nữa. Đã từ lâu lắm rồi tôi
không làm điều đó.
* * *
Thật may mắn cho Neil là tuần trước tôi đã cố gắng tham dự nhóm hội thảo.
Ngay sáng hôm đó khi vừa về tới nhà thì tôi nhận được một cú điện thoại từ
hàng xóm sát bên. Giọng bà run run báo rằng bà đã thấy Neil ngắt ba bông
tulip được giải của bà trên đường đi học.
Tôi cố dằn nén, trong bụng nghĩ “Lại nữa rồi!”. Thể nào nó cũng chối đây
đẩy là nó chẳng ngắt hoa ngắt hiếc gì cả, hệt như cái kiểu hành xử lúc nó tháo
tung cái đồng hồ treo tường ra (sau đó tôi tìm thấy những mảnh rời trong
phòng nó); và giống như cái cách khi nó bảo với tôi là nó được nhảy có một lớp
(Đến chừng tôi gọi cho cô giáo nó thì được cô cho biết là không bao giờ có học
sinh nào được nhảy lớp cả). Dạo này nó hay nói dối như cuội, thậm chí em trai
nó còn nói “Mẹ, anh Neil lại nói dối nữa đó mẹ!”
Tôi biết mình chưa xử lý thích đáng cái thói này của Neil. Tôi luôn đòi hỏi
nó phải nói với tôi sự thật và khi nó không nói, tôi thường chửi mắng nó là đồ
dối trá, hoặc diễn thuyết cho nó một bài về sự lừa lọc, hoặc trừng phạt nó. Tôi
nghĩ bấy lâu mình chỉ toàn làm cho mọi việc tệ hại đi, nhưng tính trung thực
vốn là điều vô cùng quan trọng đối với tôi và chồng tôi. Tôi không thể hiểu Neil
thế nào mà lại sinh ra đổ đốn vậy.
Như tôi đã nói, may là tôi đã đi dự buổi hội thảo về vai trò, bởi vì lúc này,
cho dù đang rất tức giận, tôi biết mình không muốn đặt Neil vào vai trò “dối
trá” lần nữa.
Khi nó về nhà ăn trưa, tôi không rào chặt nó lại bằng những câu kiểu như:
(“Phải con đã ngắt trộm hoa không? Có chắc là con không làm? Lần này đừng
hòng nói dối mẹ.”) mà đi thẳng vào vấn đề. Tôi bảo “Neil, bà Osgood bảo con
ngắt hoa tulip của bà.”