Chúng tôi vô cùng hạnh phúc vào thời điểm kỷ niệm lần tái bản hiện tại. Nó
cho chúng tôi cơ hội chia sẻ với quý vị những dòng suy nghĩ và phản hồi mà
chúng tôi nhận được trong những năm qua – những lá thư, những câu hỏi,
những câu chuyện, và cái nhìn trong cuộc của những phụ huynh khác.
Chúng tôi hy vọng ở đâu đó trong những lá thư này, quý vị sẽ tìm thấy
những thông tin cốt lõi, bổ sung hoặc những nguồn cảm hứng giúp quý vị thực
hiện công việc quan trọng nhất trần đời của quý vị.
– Adele Faber
Elaine Mazlish
NHỮNG LÁ THƯ
CHÚNG TÔI LUÔN HẠNH PHÚC khi nhận được phản hồi từ độc giả, tuy
nhiên những lá thư đáng hài lòng nhất là những lá thư mà người viết chia sẻ
với chúng tôi: họ đã thật sự sử dụng những nguyên tắc trong How to talk so kids
will listen... (Nói sao cho trẻ chịu nghe...)
như thế nào, và họ ứng dụng chúng vào
những phức tạp trong cuộc sống của họ ra sao.
* * *
Quyển sách của tiến sĩ cho tôi công cụ thực hành mà tôi đã ráo riết tìm kiếm
bấy lâu. Tôi không biết mình sẽ xử lý tất cả nỗi đau và tức giận mà thằng con
trai 9 tuổi của tôi cảm thấy về việc cha nó và tôi ly dị như thế nào nếu tôi không
đọc How to talk so kids will listen... (Nói sao cho trẻ chịu nghe...)
Ví dụ gần đây nhất: Tommy trở về nhà sau vài ngày đến ở với bố nó, cứ ỉu
xìu chán nản vì bố nó cứ gọi nó là “kẻ bất tài”.
Tôi phải vận dụng hết nghị lực để đừng nói xấu “chồng” cũ mà bảo với
Tommy rằng chính bố nó mới là “kẻ bất tài”. Thay vì thế tôi nói: “Ồ, vậy thì đau
đớn lắm nhỉ. Chả ai thích bị chửi mắng bao giờ. Chắc là con đang ước gì bố cứ