đổi, tức là họ không có trách nhiệm, không làm tròn bổn phận làm cha mẹ của
họ. Nhưng một khi họ bắt đầu thật sự dùng phương pháp của tiến sĩ và tự họ
thấy nó hiệu quả như thế nào và con cái họ về lâu về dài đã hợp tác ra sao, họ
trở nên hăng hái với chương trình.
Còn đối với tôi, khi nhìn lại, tôi thấy con trai mình đang trở thành một
thằng bé nổi loạn và hay cáu bẳn. Tìm được tài liệu của tiến sĩ, học và áp dụng
những kỹ năng trong How to talk so kids will listen... (Nói sao cho trẻ chịu nghe...)
, thật sự đã cứu gia đình tôi và cải thiện mối quan hệ với con trai tôi một trăm
phần trăm. Tôi tin chắc rằng chừng nào mà những kỹ năng này ứng dụng
nhuần nhuyễn trong cuộc sống của chúng tôi thì chúng tôi giúp ngăn ngừa con
em mình trở thành kiểu thanh thiếu niên có những lựa chọn điên cuồng và nổi
loạn.
Cảm ơn đã trình bày những gì tiến sĩ đã học hỏi theo một cách tự học rất
mạch lạc rõ ràng.
* * *
Tôi tìm thấy quyển How to talk so kids will listen... (Nói sao cho trẻ chịu nghe...)
trong thư viện chỗ tôi ở – đó là một quyển sách rách nát nhất tôi từng thấy.
Thật ra điều duy nhất khiến tôi cầm nó lên chỉ vì thấy nội dung có vẻ hay hay.
Không ngờ nó lại cực kỳ hữu ích cho tôi đến thế trong việc đương đầu với con
gái 10 tuổi của mình. Dạo gần đây nó đang hình thành và phát triển một thái
độ khó chấp nhận được. Tôi không biết nó học thói đó từ đâu, từ bạn bè hay từ
tivi, nhưng nó cứ hay nói với tôi kiểu, “Mẹ không bao giờ mua thứ gì ngon mà
ăn” hoặc “Sao mẹ mua cho con cuộn video game dở ẹc vậy? Cái đó dành cho
con nít mà.”
Nhờ quyển sách của tiến sĩ mà tôi không còn tự vệ hay phải ráng vắt óc để
hiểu vấn đề nữa. Giờ đây, mỗi khi nó trở nên “lắm mồm” là tôi chặn nó lại
ngay. Tôi bảo, “Lisa, mẹ không thích bị buộc tội. Nếu có gì con muốn hoặc