6. Tôi biết cảm xúc nên được công nhận, nhưng tôi thấy khó biết cách phản
hồi như thế nào khi nghe “Mẹ kỳ cục” hoặc “Con ghét mẹ” từ chính miệng con
mình.
Nếu câu “Con ghét mẹ” làm bạn bực tức, có lẽ bạn muốn cho con bạn biết
rằng “Mẹ không thích nghe con nói như thế. Nếu con giận dữ về cái gì thì hãy
nói cho mẹ biết bằng cách khác. Như vậy mẹ có thể sẽ giúp được con.”
7. Có cách nào khác để giúp đứa trẻ đang tức tối ngoài việc để cho nó biết
bạn hiểu cảm xúc của nó? Con trai tôi rất khó tha thứ cho bất kỳ sự thất vọng
nào. Thỉnh thoảng tôi công nhận cảm xúc của nó bằng cách nói “Chắc con
tuyệt vọng ghê lắm!” nhưng dường như không ăn thua; thường thì lúc đang có
tâm trạng bực bội nó thậm chí không thèm nghe tôi nói gì.
Những phụ huynh trong nhóm hội thảo của chúng tôi đã nhận ra rằng khi
con họ vô cùng tức bực thì đôi khi một hình thức vận động thân thể sẽ có thể
giúp trẻ giảm bớt phần nào cảm xúc đau đớn. Tôi đã nghe nhiều câu chuyện về
những đứa trẻ đang giận dữ sẽ dịu đi sau khi đấm gối, nện búa vào thùng các-
tông cũ, đập và nhào đất sét, gầm rống lên như sư tử, phóng phi tiêu. Nhưng
một hành động có vẻ thoải mái hơn đối với phụ huynh khi chứng kiến, và hài
lòng hơn đối với trẻ khi thực hiện, là vẽ cảm xúc của nó ra. Hai ví dụ dưới đây
xảy ra trong tuần chúng tôi nhóm họp:
Tôi vừa tham dự một buổi hội thảo trở về thì thấy thằng con ba tuổi của
mình đang nằm xoài dưới sàn nhà gào rú khủng khiếp. Chồng tôi chỉ biết đứng
kinh hoàng nhìn nó. Anh ấy liền bảo tôi: “Ối này chuyên gia trẻ em, coi em xử
lý ca này thế nào.” Tôi cảm thấy mình buộc phải đảm trách sự vụ. Tôi đứng
nhìn xuống Joshua, vẫn đang giãy giụa gào thét, và giật lấy cây bút chì với tập
giấy kế bên điện thoại bàn. Xong tôi quỳ xuống, trao bút chì và giấy cho Joshua
và bảo: “Này, chỉ cho mẹ biết con giận dữ như thế nào đi. Hãy vẽ một bức tranh
chỉ ra cho mẹ biết con đang cảm thấy gì.”
Joshua bật ngồi dậy lập tức và bắt đầu vẽ những vòng tròn giận dữ. Xong rồi