chúng tôi không bao giờ thôi ngạc nhiên về tính độc đáo của các phụ huynh
hoặc về sự đa dạng của tình huống mà những nguyên tắc đó được áp dụng. Nói
chung từng mẩu chuyện sau đây đều đại diện cho điều đó bởi vì chúng được
chính những phụ huynh viết thư kể với chúng tôi. Hầu hết trường hợp tên của
trẻ đã được thay đổi. Bạn sẽ nhận thấy rằng không phải từng điều từng thứ phụ
huynh nói ra đều là một phản hồi “khuôn mẫu”. Mà về cơ bản, thiện chí lắng
nghe và thái độ chấp nhận của họ chính là những gì tạo nên sự khác biệt.
Những phụ huynh kể hai câu chuyện đầu tiên này cho nhóm thấy khó tin
rằng, khi họ kiềm chế không đưa ra lời khuyên thì trẻ thật sự bắt đầu hành xử
theo chiều hướng giải quyết vấn đề. Bà mẹ này giới thiệu câu chuyện của bà
bằng câu: “Hãy lắng nghe xem tôi đã nói ít như thế nào!”
Nick, 8 tuổi, đi học về thì bảo liền, “Con muốn đục thằng Jeffrey.”
TÔI: Ô, con tức Jeffrey!
NICKY: Dạ! Khi tụi con chơi đá bóng với nhau, hễ khi nào con giành được
bóng là nó đều la lên, “Chuyền cho tao, chuyền cho tao, Nicky, tao giỏi hơn
mày.” Con hỏi mẹ chứ, ai mà không điên tiết lên được?
TÔI: Ừm.
NICKY: Nhưng thật ra tính thằng Jeffrey không phải như vậy đâu. Hồi lớp
Một nó dễ thương lắm. Nhưng con nghĩ, kể từ khi thằng Chris vào lớp Hai của
tụi con là Jeffrey bị nhiễm thói khoe khoang.
TÔI: Vậy à.
NICKY: Để con gọi cho Jeffrey rủ nó ra công viên chơi.
* * *
Con trai tôi đang học lớp Một. Tính nó vốn không hung hăng và không ưa
đánh nhau. Nó cũng có vẻ dễ bị tổn thương vì vậy tôi hay bảo vệ nó thái quá.