Một ngày thứ hai đầu tuần đi học về, nó kể tôi là có một thằng học chung lớp
nó, bự con hơn nó nhiều, phái “tay sai” lại gần nó và báo trước rằng nó sẽ “bị
bụp tơi tả” vào ngày mai. Phản ứng đầu tiên của tôi là hốt hoảng, bắt nó ở nhà
không cho đi học, cấp tốc dạy cho nó một bài học tự vệ – tóm lại là bất cứ cái gì
để cứu nó khỏi cơn sợ hãi thắt ruột này.
Thay vì để lộ ra nỗi cảnh giác của mình cho nó thấy, tôi quyết định lắng
nghe chăm chú và chỉ đáp lại bằng câu “Ừm”. Douglas nói liền tù tì một mạch:
“Mẹ biết không, thế là con đã nghĩ ra ba chiến lược phòng thủ. Thứ nhất, con
sẽ cố nói chuyện với nó để khỏi đánh nhau. Con sẽ giải thích rằng không nên
đánh nhau bởi vì như vậy là không văn minh. Thứ hai nếu cách trên không có
tác dụng, thì con sẽ đeo mắt kiếng của mình vào, nhưng mà (nó dừng lại suy
nghĩ), nếu nó là thằng chuyên bắt nạt người ta thì điều đó không khiến nó
dừng lại đâu, mà chắc chắn nó là đồ bắt nạt rồi, bởi vì con thậm chí còn chưa
bao giờ nói chuyện với nó mà giờ tự nhiên nó lại muốn bụp con te tua. Tiếp
đến, nếu không có cách nào hiệu quả nữa thì con sẽ nhờ Kenny đập nó. Kenny
mạnh tới nỗi thằng bắt nạt đó chỉ nhìn thấy thôi là sẽ sợ chết khiếp luôn.”
Tôi sửng sốt và chỉ nói “Ố”. Còn nó nói tiếp. “Được rồi... thế là được... con có
nhiều kế hoạch để áp dụng”, đoạn nó bước ra khỏi phòng với vẻ nhẹ nhõm. Tôi
thật ấn tượng về con trai mình. Tôi không ngờ nó dũng cảm hoặc sáng suốt tự
xử lý những vấn đề của mình như thế. Tất cả những việc đó xảy ra là vì tôi chỉ
lắng nghe và đứng tránh đường nó ra.
Nhưng tôi không an tâm để việc buông ở đó. Tôi không nói gì với Douglas
nhưng buổi chiều hôm đó tôi gọi cho cô giáo của cháu và báo cho cô biết những
gì đang diễn ra. Cô bảo thật may là tôi đã gọi bởi vì thời buổi này không thể
phớt lờ mối nguy nào cả.
Cả ngày hôm sau tôi phải tự chủ kinh khủng mới không hỏi nó chuyện gì xảy
ra, nhưng nó tự động bảo với tôi “Mẹ, mẹ đoán gì không, hôm nay tên bắt nạt
không hề lại gần con.”