thế nào để vượt qua cả ngày hôm nay đây.” Gương mặt của người đàn ông
rạng rỡ lên. Lần đầu tiên bà Grafton nhìn thấy anh ta cười. “Ồ vâng, ở đây lúc
nào cũng bận rộn. Ai cũng muốn được ưu tiên. Vậy tôi có thể làm gì cho bà
đây?” Cuối cùng, anh ta không chỉ ký tấm séc mà còn đi cùng bà tới chỗ giao
dịch viên để tấm séc được xử lý nhanh chóng hơn.
Hội thoại không hiệu quả: Chỉ trích và lên lớp trẻ sẽ tạo khoảng cách và sự
oán giận
Các cuộc đối thoại giữa cha mẹ với con cái thường thất bại và chẳng dẫn tới
đâu. Ví dụ điển hình mà ta vẫn thấy là: “Con đi đâu đấy?” “Ra ngoài ạ.” “Con
làm gì đấy?” “Không làm gì ạ.” Những bậc cha mẹ cố gắng nói lý lẽ với con
cái thường sẽ sớm phát hiện ra rằng việc đó thật mệt mỏi. Một bà mẹ từng
nói: “Tôi thường cố gắng hết sức tìm ra lý lẽ để nói chuyện với con trai.
Nhưng nó chẳng bao giờ nghe tôi cả. Nó chỉ nghe lời khi tôi hét lên với nó
thôi.”
Trẻ em thường không muốn nói chuyện với cha mẹ. Chúng cảm thấy ấm ức
khi bị lên lớp, chỉ bảo và phê phán. Chúng cảm thấy cha mẹ mình nói quá
nhiều. David, 8 tuổi, đã phải thốt lên với mẹ: “Con chỉ hỏi mẹ một câu hỏi
nhỏ thôi mà, tại sao mẹ phải dài dòng như vậy?” Cậu bé tâm sự thật với bạn
bè: “Tớ chẳng nói chuyện gì với mẹ hết, nếu không tớ sẽ chẳng còn thời gian
mà chơi nữa đâu.”
Một quan sát viên tận tâm, khi lắng nghe kỹ càng một cuộc đối thoại điển
hình giữa cha mẹ và con cái, sẽ phải ngạc nhiên vì nhận thấy hai bên ít lắng
nghe nhau tới mức nào. Cuộc đối thoại dường như là hai cuộc độc thoại, một
thì toàn chỉ trích và dạy bảo, một thì toàn phủ nhận và biện hộ. Bi kịch của
những cuộc trò chuyện như thế không nằm ở sự thiếu yêu thương mà ở sự
thiếu tôn trọng, không phải do thiếu khôn ngoan mà vì thiếu kỹ năng.
Thứ ngôn ngữ chúng ta sử dụng hàng ngày không đủ để giao tiếp hiệu quả với
con trẻ. Để chạm được tới chúng và không làm bản thân thất vọng, cha mẹ
cần phải học cách trò chuyện cùng con cái.
Trò chuyện để kết nối: Đáp lại cảm xúc của trẻ chứ không phải thái độ của
14