Cha mẹ dễ dàng đặt ra các quy định, đưa ra những cấm đoán và giới hạn
nhưng lại cảm thấy rất rất khó khăn khi tuân thủ chúng. Họ thường tỏ ra linh
động và mềm dẻo khi con trẻ thách thức những quy định họ đã đặt ra. Cha mẹ
luôn muốn con cái được hạnh phúc. Khi cha mẹ từ chối không cho trẻ phá vỡ
nguyên tắc, trẻ có thể khiến cha mẹ cảm thấy không được yêu thương và tội
lỗi.
“Xem tivi tối nay như vậy là đủ rồi,” người bố nói với cậu con trai Steven 10
tuổi của mình khi chương trình tivi của cậu bé kết thúc. Steven nổi cáu và hét
lên: “Bố thật ích kỷ! Nếu yêu con, bố sẽ cho phép con xem chương trình con
yêu thích sẽ phát ngay sau đây.” Người bố này đã bị cám dỗ để nhượng bộ.
Thật không dễ dàng từ chối một lời cầu xin như vậy. Nhưng anh quyết định
không tạo ra tiền lệ. Anh tuân thủ giới hạn mà mình đã đặt ra.
Do có rất nhiều quy định khó có thể được thực hiện, các bậc cha mẹ nên xếp
thứ tự ưu tiên cho những quy định của mình và cố gắng hạn chế chúng ở mức
càng ít càng tốt.
Yêu thương và giao tiếp hiệu quả với con cái là điều có thể
Áp dụng những nguyên tắc giao tiếp thấu hiểu sau đây sẽ giúp các bậc cha mẹ
yêu thương và tiếp cận hiệu quả với con cái.
1. Khởi đầu của sự khôn ngoan là biết lắng nghe: Lắng nghe một cách đồng
cảm sẽ cho phép cha mẹ tiếp nhận những cảm xúc mà lời nói cố gắng truyền
tải, thấu hiểu những điều trẻ đang cảm nhận và trải nghiệm đồng thời nắm bắt
quan điểm của trẻ để có thể đi đến tận cùng bản chất của cuộc trò chuyện với
chúng.
Cha mẹ cần có tư tưởng và cả trái tim rộng mở để giúp họ lắng nghe sự thật
cho dù sự thật đó có dễ chịu hay không. Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo sợ
khi phải lắng nghe con cái bởi có thể họ không thích những điều mình nghe
thấy. Nếu cha mẹ không tạo ra một môi trường đáng tin cậy để khuyến khích
con cái chia sẻ cả những cảm xúc, quan điểm hay ý kiến không mấy dễ chịu
của chúng thì trẻ cũng sẽ không thành thực. Chúng sẽ chỉ nói với cha mẹ
những điều mà họ muốn nghe.
179