mình. Thậm chí, đôi khi chúng ta còn chẳng biết bản thân mình cảm thấy ra
sao.
Khi trẻ cảm thấy khó khăn vì phải đối mặt với chuyện gì đó, chúng trở nên
giận dữ và đổ lỗi cho người khác, điều này khiến cha mẹ tức giận. Đến lượt
mình, họ lại lên án trẻ và nói những điều sau đó khiến họ thấy hối hận trong
khi chẳng giải quyết được vấn đề.
Trẻ thường cảm thấy khó khăn trong việc chia sẻ cảm xúc của mình, do vậy,
sẽ thật hữu ích nếu cha mẹ có thể học cách lắng nghe những nỗi sợ hãi, thất
vọng hay bất lực đang giấu kín đằng sau những cơn giận dữ bột phát của trẻ.
Khi đó, thay vì phản ứng trước hành vi không đúng đắn, cha mẹ sẽ đáp lại
cảm xúc buồn bực của con và giúp chúng đối mặt với hoàn cảnh. Chỉ khi cảm
thấy thoải mái trẻ mới có thể suy nghĩ một cách rành mạch và hành động
đúng đắn – tức là có thể tập trung, chú ý và lắng nghe người lớn.
Những cảm xúc mạnh mẽ của trẻ không thể biến mất nếu chúng phải nghe
những lời như: “Con như vậy thật không hay chút nào”, hay khi cha mẹ cố
thuyết phục chúng rằng: “Chẳng có lý do gì để con phải như vậy cả.” Những
cảm xúc mạnh mẽ sẽ không biến mất khi chúng bị xua đuổi hay phủ nhận;
nhưng sẽ giảm đi đáng kể khi chúng được chấp nhận với lòng cảm thông và
chia sẻ từ phía người nghe.
Tuyên ngôn này không chỉ đúng với trẻ con mà còn cả với người lớn. Hãy
cùng theo dõi đoạn trích từ một cuộc thảo luận nhóm mà thành viên là các bậc
cha mẹ để thấy rõ điều này.
TRƯỞNG NHÓM: Hãy hình dung một buổi sáng nọ, mọi thứ quanh bạn
dường như rối tung lên. Điện thoại réo, con khóc và món bánh mì nướng bị
bạn bỏ quên đã cháy khét trong lò. Chồng bạn nhìn vào cái lò nướng và thốt
lên: “Ôi giời! Đến bao giờ thì em mới biết cách nướng bánh mì hả?” Phản
ứng của bạn lúc đó sẽ thế nào?
A: Tôi sẽ ném chỗ bánh cháy khét đó vào mặt anh ta!
B: Tôi sẽ nói: “Anh đi mà làm lấy!”
19