“Hình như con có những suy nghĩ rất trái ngược về cô giáo: Con vừa thích lại
vừa không thích cô ấy.”
“Hình như con có hai cảm xúc khác nhau về anh con: Con ngưỡng mộ anh
nhưng cũng rất ghét anh.”
“Con muốn những mong muốn trái ngược nhau phải không: vừa muốn đi cắm
trại lại vừa muốn ở nhà.”
Những lời nói điềm tĩnh, không mang tính chỉ trích về những cảm xúc trái
chiều của trẻ sẽ rất hữu ích bởi nó truyền tới trẻ thông điệp rằng những cảm
xúc “lẫn lộn” không phải là điều khó hiểu. Một đứa trẻ đã nói: “Nếu bố mẹ
hiểu được những cảm xúc lộn xộn của con thì chắc là chúng cũng không đến
nỗi lộn xộn lắm.” Mặt khác, những câu nói như thế này chắc chắn sẽ không
giúp ích được gì: “Con trai, con thật là lộn xộn! Phút trước con vừa nói yêu
quý bạn xong, phút sau đã trách móc cậu ta. Con phải có chính kiến chứ.”
Nếu có cái nhìn tinh tế về bản chất con người, chúng ta sẽ thấy ở đâu có tình
yêu, ở đó có sự oán giận; có sự ngưỡng mộ thì sẽ có chút ghen tỵ; có sự tận
tụy thì sẽ có chút hận thù; và thành công bao giờ cũng đi cùng với một chút sợ
hãi. Sẽ là khôn ngoan khi nhận thức rằng tất cả cảm xúc của con người đều
chính đáng, cả tích cực, tiêu cực và cả những thứ mâu thuẫn nhau đều cùng
tồn tại.
Thế nhưng trong thâm tâm, chúng ta thường không dễ dàng chấp nhận những
điều như thế. Những trải nghiệm tuổi thơ và sự giáo dục khi trưởng thành đều
hướng chúng ta tới suy nghĩ: những cảm xúc tiêu cực là “xấu”, chúng ta nên
chối bỏ và cảm thấy xấu hổ về chúng. Phương pháp tiếp cận mới cho rằng chỉ
có hành động thực mới đáng bị đánh giá hay phán xét, còn những hành động
trong tưởng tượng hoặc cảm xúc thì không. Sự phán xét đối với cảm xúc và
lên án với những thứ trong tưởng tượng xâm hại tới cả tự do cá nhân và sức
khỏe tinh thần của con người.
Cảm xúc là một phần của di sản mà chúng ta nhận được từ gen di truyền. Có
lúc chúng ta hạnh phúc, có lúc lại không; nhưng chắc chắn đôi khi trong cuộc
sống chúng ta sẽ cảm thấy giận dữ xen lẫn sợ hãi, nỗi buồn xen lẫn niềm vui,
28