tham lam xen lẫn tội lỗi, thèm thuồng xen lẫn sự khinh miệt, say mê xen lẫn
ghê sợ. Trong khi không thể lựa chọn cảm xúc của bản thân, chúng ta có thể
lựa chọn thời điểm và cách thức thể hiện chúng, miễn là chúng ta biết chính
xác mình đang cảm thấy gì. Đây chính là mấu chốt của vấn đề. Rất nhiều
người trong chúng ta đã được dạy dỗ để không còn biết cảm xúc thực sự của
mình. Khi cảm thấy thù ghét, chúng ta được dạy rằng đó chỉ là cảm giác
không yêu thích. Khi sợ hãi, chúng ta được dạy rằng chẳng có gì phải sợ. Khi
đau đớn, chúng ta được khuyên nên dũng cảm và mỉm cười. Đa số chúng ta
được dạy phải giả vờ hạnh phúc trong khi thực ra không phải vậy.
Vậy chúng ta cần làm gì trong những cảm xúc giả tạo này? Giáo dục cảm xúc
có thể giúp con cái chúng ta nhận thức được những điều chúng cảm thấy. Đối
với một đứa trẻ biết mình cảm thấy gì còn quan trọng hơn là vì sao nó lại cảm
thấy như vậy. Càng biết rõ cảm xúc của mình, trẻ sẽ càng ít cảm thấy “bối
rối” hơn.
Soi sáng cảm xúc: Phản ánh cảm xúc của trẻ giúp chúng hiểu mình cảm thấy
ra sao
Trẻ học về hình dáng bên ngoài của mình bằng cách soi gương. Chúng học về
cảm xúc bên trong bằng cách lắng nghe những cảm xúc đó phản chiếu trong
chính con người chúng. Chức năng của một chiếc gương là phản chiếu hình
ảnh chân thực, không tâng bốc cũng không chỉ trích hay phê phán. Chúng ta
không muốn một chiếc gương nói với chúng ta rằng: “Trông con thật là kinh
khủng, mắt đỏ ngàu còn mặt thì sưng húp, trông thật nhếch nhác. Tốt hơn hết
là con hãy chỉnh trang lại bản thân đi.” Sau khi soi mình vài lần trong chiếc
gương phép thuật đó, có lẽ chúng ta sẽ trốn tránh nó như một bệnh dịch.
Chúng ta muốn thấy trong gương một hình ảnh chứ không phải một bài thuyết
giáo. Chúng ta có thể không thích hình ảnh mà mình nhìn thấy, nhưng chúng
ta muốn chính mình sẽ quyết định phải chỉnh trang lại như thế nào.
Tương tự như vậy, chức năng của chiếc gương cảm xúc là phản ánh cảm xúc
một cách chân thực, không bóp méo:
“Trông con giống như là đang rất giận.”
29