Chương 2. Sức mạnh của ngôn từ
Những cách động viên và hướng dẫn hiệu quả
Trong tâm lý trị liệu, không bao giờ được nói với một đứa trẻ rằng: “Con là
một đứa trẻ ngoan.” “Con thật tuyệt.” Những lời khen ngợi mang tính đánh
giá và phán xét như vậy không nên được sử dụng. Tại sao vậy? Bởi chúng
không hề hữu ích. Chúng chỉ gây ra sự lo âu, khiến trẻ mất đi tính độc lập và
đặt trẻ vào thế luôn luôn phòng vệ. Nó không khuyến khích tính tự lập, tự
định hướng và tự kiểm soát – những phẩm chất chỉ có thể hình thành khi trẻ
không bị tác động bởi sự phán xét của những người xung quanh và tin tưởng
vào cảm xúc cũng như sự đánh giá của bản thân mình. Trẻ cần được giải thoát
khỏi áp lực của những lời khen mang tính đánh giá để không cần phải phụ
thuộc vào người khác trong việc tự đánh giá bản thân.
Khen ngợi có còn tốt cho trẻ nữa không?
Đôi khi trẻ hành động sai trái vào những thời điểm cha mẹ chúng không
mong đợi nhất.
Đó là buổi sáng thứ Hai sau kỳ nghỉ lễ Tạ ơn. Cả nhà đang lái xe từ Pittsburgh
về New York. Phía sau xe, cậu bé Ivan, 6 tuổi, tỏ ra ngoan ngoãn như một
thiên thần, yên lặng và trầm ngâm suy nghĩ điều gì đó. Người mẹ tự nhủ,
thằng bé xứng đáng được khen ngợi. Khi xe đang rẽ vào đường hầm Lincoln,
mẹ cậu bé quay về phía cậu và nói: “Ivan, con thật là một cậu bé ngoan. Con
đã cư xử rất đúng mực. Mẹ rất tự hào về con.”
Chỉ một phút sau, Ivan đạp đổ cả khay gạt tàn thuốc lá và làm vương vãi tất
cả những thứ bẩn thỉu bên trong lên người bố mẹ. Tàn thuốc và những đầu
mẩu thuốc lá còn lại cứ tiếp tục túa ra như một trận mưa bụi phóng xạ khủng
khiếp. Cả gia đình đang ở trong đường hầm, trong không khí ngột ngạt của
đám xe cộ đang ùn lại, họ ho sặc sụa. Mẹ Ivan chỉ muốn đánh cho con trai
một trận. Nhưng điều làm cô thất vọng nhất là sự việc diễn ra ngay sau khi cô
khen ngợi con. Cô bỗng tự hỏi: “Chẳng lẽ khen ngợi trẻ không phải là điều tốt
31