phạm, cũng không làm trầm trọng hóa vấn đề. Mặt khác, chúng ta cũng không
ngần ngại nói ra sự thật. Khi thấy cuốn sách mà con mượn của thư viện đã
quá hạn phải trả, ta không nên hỏi: “Con đã trả sách cho thư viện chưa? Con
chắc chứ? Thế tại sao nó lại vẫn ở trên bàn con thế?” Thay vào đó, hãy nói
thẳng: “Mẹ nhìn thấy cuốn sách mà con mượn của thư viện đã quá hạn rồi
đấy.”
Khi nhà trường thông báo rằng bài kiểm tra môn Toán của con không đạt,
chúng ta không nên hỏi: “Bài kiểm tra Toán của con có đạt không?… Con
chắc chứ?… Lần này con có nói dối cũng không ăn thua đâu! Bố mẹ đã nói
chuyện với cô giáo và biết con đã trượt một cách thảm hại.”
Thay vì thế, hãy nói thẳng với trẻ: “Giáo viên môn Toán nói với bố mẹ là bài
kiểm tra của con không đạt. Bố mẹ rất lo lắng và đang băn khoăn không biết
phải giúp con thế nào.”
Tóm lại, chúng ta không đẩy trẻ vào thế phải nói dối để tự vệ, cũng không cố
tình tạo ra cơ hội cho những lời nói dối. Khi trẻ nói dối, chúng ta không nên
phản ứng một cách kích động và vội vàng quy về các vấn đề đạo đức, hãy
thực tế và trả lời trẻ dựa trên sự thật. Chúng ta muốn trẻ học được rằng không
việc gì phải nói dối bố mẹ cả.
Một cách khác mà cha mẹ có thể dùng để ngăn trẻ nói dối là tránh câu hỏi
“Tại sao?” Trước đây, “tại sao” từng là một cụm từ để hỏi nhưng từ lâu nó đã
không còn mang ý nghĩa đó nữa. Nó đã bị lạm dụng với mục đích chỉ trích
người được hỏi. Đối với trẻ, “tại sao” đồng nghĩa với sự không đồng tình và
không vui vẻ của cha mẹ. Nó gợi lại những lỗi lầm đã qua. Ngay cả câu hỏi
đơn giản “Tại sao con lại làm thế?” cũng có thể được hiểu thành “Tại sao con
lại có thể làm điều ngu ngốc đến thế?”
Các bậc cha mẹ thông thái sẽ tránh những câu hỏi tai hại như:
“Tại sao con lại ích kỉ thế?”
“Tại sao con cứ quên hết những lời mẹ nói thế?”
“Tại sao con không bao giờ đúng giờ thế?”
67