“Hình như hôm nay con có một ngày mệt nhọc.”
“Ai đó đã làm con khó chịu thì phải.”
Những câu nói này nên được sử dụng thay cho những câu hỏi kiểu như “Có
chuyện gì thế?” “Có chuyện gì với con vậy?” Câu hỏi thể hiện sự tò mò còn
câu kể thể hiện sự cảm thông. Cho dù những lời chia sẻ đầy cảm thông không
thể ngay lập tức thay đổi tâm trạng tồi tệ của trẻ nhưng ít nhất, trẻ cũng cảm
nhận được tình yêu thương ấm áp từ phía cha mẹ.
Chữa lành vết thương tình cảm của trẻ
Khi cậu bé Daniel nói với mẹ rằng cậu bị bác lái xe buýt của trường mắng
chửi và xô đẩy, nhiệm vụ của mẹ cậu bé không phải là tìm kiếm động cơ hay
lý do để biện hộ cho hành động của người lái xe. Nhiệm vụ của cô là đáp lại
con trai bằng sự cảm thông và mang đến cho cậu bé sự nâng đỡ về tình cảm
bằng những lời nhận xét như:
“Hẳn là điều đó khiến con xấu hổ lắm.”
“Hẳn là con đã bị xúc phạm.”
“Điều đó chắc là khiến con giận lắm.”
“Lúc ấy chắc con phải thấy oán giận bác ấy lắm.”
Những lời nói như vậy sẽ cho Daniel thấy mẹ cậu hiểu được sự giận dữ, tổn
thương và xấu hổ của cậu, và mẹ sẽ luôn ở bên khi cậu cần. Cũng giống như
việc cha mẹ sẽ nhanh chóng chăm sóc trẻ về mặt thể chất khi chúng ngã hay
bị thương, họ cũng cần học cách nâng đỡ tình cảm cho trẻ khi chúng phải trải
qua những chấn thương về mặt tinh thần.
Một thực tế không thể trốn tránh là trẻ học hỏi từ những điều mà chúng trải
nghiệm trong cuộc sống. Nếu phải sống cùng với sự chỉ trích hay lên án,
chúng sẽ không có được tinh thần trách nhiệm. Chúng sẽ học cách lên án bản
thân và tìm kiếm lỗi lầm của người khác. Chúng sẽ học cách nghi ngờ những
đánh giá của mình, chê bai khả năng của mình và nghi ngờ ý định của mọi
người. Và trên hết, chúng sẽ học cách sống với ám ảnh không ngừng về
những điều không hay sẽ xảy ra.
77