Chỉ trích là cách dễ dàng nhất để khiến trẻ cảm thấy có điều gì đó không ổn
với chúng. Nó làm xấu đi hình ảnh của trẻ về bản thân. Thay vì chỉ trích, trẻ
cần những thông tin không đi kèm với sự xúc phạm.
Người mẹ nhìn cậu con trai 9 tuổi Steven của mình đang đổ gần như toàn bộ
số bánh pudding vào một cái bát quá lớn. Cô đã định mắng mỏ thằng bé:
“Con thật ích kỷ! Con chỉ nghĩ đến mình thôi! Con đâu phải là người duy nhất
trong ngôi nhà này!”
Nhưng cô đã học được rằng chụp mũ sẽ làm con thui chột, rằng chỉ ra những
tính cách tiêu cực sẽ không giúp con phát triển thành một con người biết quan
tâm hơn. Bởi vậy, thay vì mắng mỏ, cô đưa ra thông tin mà không xúc phạm
đến thằng bé: “Con trai, bánh pudding phải được chia ra cho bốn người.” “Ồ,
con xin lỗi,” Steven trả lời. “Con không biết điều đó. Con sẽ để lại một ít.”
Xây dựng mối quan hệ với con cái
Những bậc cha mẹ đang chìm đắm trong cuộc chiến công khai hay âm thầm
với con cái về chuyện làm việc nhà và tinh thần trách nhiệm nên thừa nhận
một thực tế là họ sẽ không thể chiến thắng. Thời gian và sức lực mà lũ trẻ có
để chống đối lại chúng ta nhiều hơn rất nhiều so với những gì chúng ta có để
ép buộc chúng. Ngay cả khi chúng ta giành chiến thắng và khiến trẻ phục
tùng ý chí của ta, trẻ cũng có thể đáp trả bằng cách trở nên lạnh lùng, thất
thường, lơ là hay thậm chí nổi loạn.
Nhiệm vụ của chúng ta, những người làm cha mẹ là xây dựng mối quan hệ
với con cái. Nhưng bằng cách nào chúng ta hoàn thành được nhiệm vụ khó
khăn này? Bằng cách lôi kéo chúng. Điều này nghe có vẻ không thể, thế
nhưng, chúng ta sẽ thực hiện được một khi bắt đầu tìm hiểu quan điểm của trẻ
và lắng nghe những cảm xúc thường trở thành nguyên nhân gây ra những
hành vi sai trái của chúng.
Cha mẹ có thể khơi dậy những thay đổi theo chiều hướng tích cực ở con cái
bằng cách lắng nghe bằng đôi tai nhạy cảm.
Trẻ sẽ cảm thấy tức tối và oán giận khi cha mẹ dường như không quan tâm tới
cảm xúc và quan điểm của chúng.
78