Ví dụ: Khi cha của Shana cương quyết buộc cô bé phải cùng cả nhà đi xem
trận bóng của cậu em trai mặc dù cô không hề thích bóng đá, cô bé đã từ chối.
Cha cô giận dữ và đe dọa sẽ không cho cô bé tiền tiêu vặt nữa. Shana lao ra
khỏi nhà trong sự tức giận, tổn thương và cảm giác không được yêu thương.
Khi bình tĩnh lại, cha của Shana đã nhìn nhận sự từ chối của con gái từ quan
điểm riêng của cô bé và nhận ra rằng điều anh muốn là tạo ra một buổi đi chơi
vui vẻ cho cả nhà nhưng anh đã không tôn trọng cảm xúc của con gái. Khi cô
bé trở về, anh đã xin lỗi và thừa nhận rằng thật chẳng có ý nghĩa gì với Shana
khi phải tham gia một sự kiện với gia đình mà cô bé cảm thấy không vui vẻ.
Anh cũng nhận ra nếu bị buộc phải tham dự thì cô bé sẽ khiến không một ai
có thể vui vẻ thưởng thức trận đấu được nữa.
Nhiều bậc cha mẹ hay tưởng tượng ra những hình ảnh đã được lý tưởng hóa
về các sự kiện và lễ kỷ niệm của gia đình mà vô tình lờ đi những cảm xúc tiêu
cực ngấm ngầm thường phá hỏng những dịp vui vẻ đã được lên kế hoạch này.
Cha mẹ cần lựa chọn cẩn thận những sự kiện gia đình mà họ bắt buộc con cái
phải cùng tham dự. Sẽ chẳng hay ho gì khi trẻ cảm thấy bất lực, tức tối và do
đó họ phải chịu đựng sự hiện diện của một đứa trẻ lầm lì, cáu bẳn và khó
chịu. Tại sao lại như vậy? Bởi vì trẻ có nhiều cách để trả đũa cha mẹ cho dù
chính chúng sẽ phải trả giá cho điều đó.
Hãy xem xét câu chuyện sau của ông Garet, một người đàn ông hách dịch đã
quyết định thay đổi cách cư xử với đầu bếp của mình. Ông gọi anh ta vào và
nói:
“Kể từ bây giờ tôi sẽ đối xử tốt với anh.”
“Nếu tôi có làm trễ bữa trưa một chút, ông sẽ không hét vào mặt tôi chứ?”
“Không” ông ta nói.
“Nếu cà phê không đủ nóng, ông sẽ không hắt nó vào mặt tôi chứ?”
“Không bao giờ như thế nữa!” là câu trả lời đầy cảm thông của ông ta.
“Nếu bít tết quá chín, ông sẽ không trừ nó vào tiền lương của tôi chứ?”
“Không, tuyệt đối không,” ông Garret nhắc lại.
79