Làm sao bây giờ? Ngay cả Ghote cũng không biết làm sao bây giờ, dù lúc
này đây, cũng như hai nhà thơ bạn của Reymond, tự thâm tâm anh tin chắc
ông ta không thể là thủ phạm.
Anh đành gặp lại Đội trưởng Quayne trình bày quan điểm của mình.
Quayne vẫn vui vẻ tiếp anh:
— Sao, thanh tra? Nhân viên của tôi có gì cần chỉ bảo không?
— Không, thưa ngài. Có điều, xin hãy tin tôi. Hai nhà thơ đi cùng với
Reymond biết ổng rất rành, đều nói ổng không phải hạng người phạm tội sát
nhân, một trăm phần trăm.
— Cùng trong nghề, hẳn thanh tra dư biết, mọi người ai cũng có thể phạm
tội. Điều chúng ta cần là chứng cứ. Anh căn cứ vào đâu mà nói Reymond
không thể phạm tội?
— Không, thưa ngài không. Tôi không nói vậy. Nhưng tôi tin rằng ông
Reymond không giết Giáo sư Goswami vì không có động cơ chính đáng.
— Có thể đấy, thanh tra. Các nhà thơ thường nghèo. Họ lại hay cần tiền
để uống rượu, gái gú, nhảy đầm… Cũng có thể chuyện Giáo sư Goswami
đưa lại quyển sách cho Reymond khiến ông ta cho là bị xúc phạm và nổi
giận. Nào ai biết được.
— Vâng, thưa ngài. Nhưng hãy nghĩ lại. Henry Reymond không chỉ là
nhà thơ. Ông ấy còn viết truyện trinh thám, nhà văn rất nổi tiếng. Ông ta
kiếm bộn tiền chính nhờ loạt sách trinh thám. Tôi còn biết ông ta không phải
thứ văn nghệ sĩ chơi bời trác táng.
— Không, thanh tra. Không đâu. Hãy bỏ quách, đừng nên coi những điều
anh vừa nói là chứng cứ. Quyển sách. Tìm thấy tại hiện trường vụ án. Đó là
chứng cứ hàng đầu – Quayne vừa nói vừa đưa ra cuốn thơ Những bước đi
âm thầm.
Ghote, với phản xạ tự nhiên, đưa tay cầm cuốn sách, lật qua xem thử. Biết
đâu có khi không có chữ viết tay đề tặng Henry Reymond trong sách, mà đề
tặng một người nào khác…