— Hãy nhận đi, con xin cha. Đối với con, nó chẳng đáng là bao. Con còn
có hàng ngàn viên như thế. Phải, thưa cha, con có vẻ điên điên, nhưng con
sẽ kể cha nghe. Như vầy…
Và sau đây là câu chuyện của người trần như nhộng bên dòng sông cá
sấu.
*
* *
Anh ta tên Stewart Connelly, người Mỹ ở Illinois. Đối với mọi người, anh
đã chết và đó cũng là điều anh muốn người ta nghĩ về anh.
Anh tốt nghiệp đại học và gia nhập bộ binh năm 1917. Kết thúc Thế chiến
1, anh đang ở châu Âu. Và với số tiền kiếm được khi xuất ngũ, anh đi du
lịch, nhất là thăm các viện bảo tàng, thư viện. Nhưng sau những chuyển biến
dữ dội của cuộc chiến, anh mơ mộng bắt đầu lại từ con số không, là một con
người khác.
Chính tại Madrid anh tìm thấy lối thoát ra khỏi cuộc sống sáo mòn này:
tại thư viện quốc gia, anh vớ được một bản thảo đã bị lãng quên. Đó là bản
viết tay của tu sĩ Sanchez, bạn đồng hành của nhà chinh phục châu Mỹ
Pizarre.
Tu sĩ viết về Atahualpa, vị hoàng đế cuối cùng của người Incas. Ông ta là
kẻ, khi tiếp đón người Tây Ban Nha, đã tặng họ mấy viên ngọc bích với kích
thước đáng ngạc nhiên. Nhưng thay vì cảm ơn, Pizarre lại ra lệnh cho thuộc
hạ tra tấn nhiều người Incas để tìm cho ra mỏ đá quí này. Người Incas nhận
ra rằng họ đã lầm lẫn về lòng tốt của những vị khách lạ, và chẳng ai chịu hé
môi.
Stewart Connelly bắt đầu tham khảo tất cả mọi tài liệu liên quan đến
những chuyến thám hiểm, bởi vì, hiển nhiên, sau nhiều thế kỷ, anh không
phải là người đầu tiên mơ mộng đến “Mặt trời Xanh của người Incas”.