“Hẳn phải khó chịu lắm.” Sự đồng cảm trong mắt ông ta có vẻ chân
thành. “Thuật lại cho tôi nghe về vụ nổ súng đi.”
“Động cơ,” Sachs giải thích. “Tôi không tìm thấy một công tắc tắt bật
nào. Cũng không có dây điện để cắt. Tôi không thể bỏ ông ta lại đó để đi tìm
hay trèo lên trên để báo người tắt cái máy xay đó đi, tôi chỉ còn nước tạo sức
ép lên vết thương. Nên tôi đã nổ súng vào phần lõi dây của cái động cơ.
Ngăn nó xẻ đôi ông ta. Nhưng lúc ấy ông ta cũng đã sắp đi đời rồi. Đã mất
đến tám mươi phần trăm máu, như kỹ thuật viên cấp cứu đã nói.”
Madino gật đầu. “Cô đã cố hết sức rồi, thanh tra.”
“Chẳng ích gì.”
“Cô cũng chẳng thể làm gì hơn.” Ông ta ngoái lại nhìn tấm ván mở.
“Chúng tôi sẽ phải triệu tập đội Thanh Tra Súng nhưng, trong hoàn cảnh này
thì đó chỉ là một thủ tục cho có lệ thôi. Không có gì phải lo lắng hết.”
“Tôi biết ơn điều đó, đội trưởng.”
Bất chấp những gì người ta hay xem trên truyền hình hay rạp chiếu phim,
việc một sĩ quan cảnh sát nổ súng là một sự kiện hiếm khi xảy ra và chỉ
được phép diễn ra dưới những điều kiện nhất định. Súng chỉ được phép nổ
dưới điều kiện viên cảnh sát đó tin rằng tính mạng của mình hoặc của một ai
đó đứng quanh đó đang gặp nguy hiểm hoặc một tội phạm có vũ trang đang
chạy trốn. Và người ta chỉ được phép nổ súng để giết người chứ không phải
để gây thương tích. Khẩu Glock không được phép dùng để vô hiệu hóa cỗ
máy phản trắc.
Trong trường hợp có cảnh sát nổ súng, dù đang làm nhiệm vụ hay không
thì sẽ có một giám sát viên từ phân khu tuần tra nơi xảy ra vụ nổ súng đến
hiện trường để thu giữ và khám xét vũ khí của viên cảnh sát nổ súng. Sau đó
giám sát viên này sẽ triệu tập đội Thanh Tra Súng – phải do một sĩ quan
đứng đầu phụ trách. Vì vụ nổ súng không gây ra tử vong hay thương tật,
Sachs không cần phải kiểm tra nồng độ cồn hoặc bị yêu cầu phải nghỉ làm
ba ngày. Và vì không có dấu hiệu lạm quyền, cô cũng không cần phải giao
nộp vũ khí. Chỉ cần đưa nó cho giám sát viên kiểm tra và ghi lại số xê-ri là
đủ.