màu da nữa. Đội lại mũ St. Louis. Không, chọn cái khác đi, mình tự nhủ. Và
lục lọi trong ba lô tìm một chiếc mũ Nike đen sì cơ bản. Đi thôi.
Muốn gào thét, muốn than khóc…
Nhưng rồi, cảm xúc ấy biến mất tăm, vẫn như thường lệ, thế chỗ là một
khao khát khác.
Hành hạ. Làm ai đó đau đớn thật nặng nề.
Các tia lửa điện không khủng khiếp lắm.
Mấy tia lửa màu vàng cam dài vài xăng-ti-mét theo sau là một luồng khói
nhẹ. Nếu đây là một cảnh trong phim thì chắc chắn đạo diễn đã bảo cắt hoặc
quay lại hoặc nói gì đó nhưng kiểu gì cũng sẽ triệu tập chuyên gia hiệu ứng
đặc biệt tới để phóng đại lên gấp mười lần.
Dù vậy, chuyện xảy ra là cầu dao nổ và phân xưởng, nếu không muốn nói
là toàn bộ nhà hát, tối om. Bản thân cô thì không bị sốc mà cũng chẳng bị
bỏng từ tia lửa điện.
Sachs đến lúc ấy mới giơ phù hiệu lên và ra hiệu cho thợ mộc, người vừa
quay lại nhìn cô một cách lo lắng qua ngưỡng cửa mở toang, vẫn không rõ
nghi phạm đâu. Ông ta bỏ bịt tai ra và bắt đầu chất vấn. Cô giơ một ngón tay
lên bảo đợi một phút và cẩn thận nhìn một vòng quanh phân xưởng. Sachs
nhắc nhở mình là cô đã suy luận ra nhà hát có khả năng là nơi gây án kế
tiếp, chứ không nhất định là như thế, nên cô ra lệnh cho các sĩ quan khác
trong đội tìm kiếm tiếp tục lùng sục dọc đường này, đặc biệt là trong công
trường xây dựng, nơi mà ít nhất thì họ cũng biết hắn vừa có mặt.
Vài phút sau điện thoại của cô reo lên. Đó là Killow, người bạn tuần tra
tốt bụng, tròn trịa của cô. “Amelia, tôi đang ở công trường đây. Trợ lý của
quản đốc đã tìm được vài công nhân nhìn thấy nghi phạm của chúng ta. Hắn
đã ở đây – tầng ba. Phía nam. Có người đã thấy hắn bỏ đi. Hết.”
Tầng ba, phía nam. Nhìn thấy thợ mộc và lưỡi cưa một cách trọn vẹn.
“Được rồi. Hắn đã đi đâu?”
“Chờ nhé.” Một lát sau anh ta nói tiếp. “Đường 47. Mặc áo khoác Carhatt
nâu và đội mũ bảo hộ. vẫn đang tìm kiếm. Hết.”