Nhìn tấm bảng. “Đúng thế. Toàn câu hỏi không lời giải đáp. Quá nhiều.
Câu đố này không dễ lắm.”
“Anh đã biết câu trả lời chưa? Câu đố của chúng ta?”
“Chữ ‘e’.”
“Anh không ăn gian đấy chứ? Không có chuyện đó đâu nhỉ. Anh là một
nhà khoa học. Quá trình là điều quan trọng nhất khi giải quyết một vấn đề.
Câu trả lời gần như chỉ là thứ yếu.”
Đúng là vậy.
Cô ta nói thêm, “Nhưng tôi không chỉ nói về vụ án này. Mà là sự bực
mình nói chung.”
Ý cô ta là cuộc sống của người tàn tật. Và cô ta không sai. Cái gì cũng
mất thời gian hơn, người khác thì đối xử với bạn như thể bạn là thú cưng
hoặc trẻ con, quá nhiều thứ trong cuộc sống không thể tiếp cận được – theo
mọi hàm nghĩa, không chỉ tầng hai hay phòng vệ sinh: tình yêu, tình bạn, sự
nghiệp mà đáng ra bạn phù hợp tuyệt đối. Danh sách kéo dài đằng đẵng.
Anh đã để ý đến cách cô ta vật vã với điện thoại gần đây, khi cố gọi điện
cho anh trai tới đón về căn hộ của anh ta. Điện thoại đã được nối loa ngoài
nhưng không hiểu được mệnh lệnh của cô ta. Cô ta đã đầu hàng và dùng
điều khiển bằng bàn tay phải, cáu kỉnh gõ các con số vào. Cái vòng Celtic
của cô ta kêu lẻng xẻng sau từng con số. Đến lúc xong xuôi quai hàm của cô
ta đã run bần bật.
“Rồi cô sẽ tập thành thói quen thôi,” anh nói. “Và cô sẽ học hỏi, lên kế
hoạch trước, chọn con đường ít bực bội nhất. Cô không cần phải tự giao
những thử thách không cần thiết cho bản thân. Phần lớn các cửa hàng đều có
thể ra vào được nhưng cô sẽ biết hàng nào có lối đi hẹp và có đầu mũ đinh
nổi lên rồi tránh chúng ra. Như thế thôi.”
“Quá nhiều điều phải học,” cô ta nói. Rồi có vẻ không thoải mái với đề tài
này. “Lincoln này. Anh chơi cờ nhỉ.”
“Đúng thế. Lâu rồi không chơi. Sao cô biết?” Anh không có một cái bàn
cờ thực nào. Khi chơi thì anh sẽ chơi trên mạng.
“Anh có một quyển sách của Vukovic.”