Cô ngước lên và để ý thấy một thanh tra trẻ tuổi, đang đi ngược chiều, đột
ngột quay về phía cô. Cô nhận ra là mình hẳn đã nói từ đó thành lời.
Cô cười với cậu ta, để chứng minh mình không hề bị loạn trí rồi lẩn vào
trong phòng tác chiến của mình, nhỏ thôi, có hai cái bàn làm việc sợi thủy
tinh, máy tính đôi, một cái bàn to và một tấm bảng trắng mà trên đó các tình
tiết trong vụ án được viết ngoáy bằng bút dạ.
“Có ngay thôi,” viên sĩ quan tóc vàng trẻ tuổi bên trong nói, ngẩng lên.
Anh ta mặc bộ đồng phục NYPD màu xanh dương sậm, ngồi ở cuối bàn.
Ron Pulaski không phải là một thanh tra, cũng giống như phần lớn các sĩ
quan trong tổ Trọng Án khác. Nhưng anh ta là một cảnh sát mà Amelia
Sachs muốn cùng xử lý vụ án nghi phạm 40. Họ đã cùng nhau điều tra hiện
trường nhiều năm nay, lúc nào cũng vậy – cho tới bây giờ – từ phòng khách
của Rhyme.
Pulaski ra dấu về phía màn hình. “Họ đã hứa thế.”
Có ngay thôi…
“Họ lấy được bao nhiêu?”
“Không chắc. Tôi không nghĩ họ sẽ lấy được địa chỉ và số điện thoại.
Nhưng bên đội Thu Thập Bằng Chứng nói rằng họ cũng tìm ra vài kết quả
trùng khớp. Quyết định chuẩn đấy, Amelia.”
Sau thảm họa ấy – từ đó mang vài hàm ý khác nhau: cái chết của nạn
nhân cũng như việc mất dấu nghi phạm 40 – trong trung tâm mua sắm ở
Brooklyn, Sachs đã cẩn thận nghiên cứu khu vực đằng sau cầu dỡ hàng và
đấu tranh xem nên đưa đội Thu Thập Bằng Chứng Brooklyn đến đâu, người
ta không thể tìm kiếm tứ tung được. Một chỗ đặc biệt thu hút cô là một cửa
hàng Mexico có cửa sau dẫn ra một ngõ cụt gần cửa dỡ hàng. Đó cũng là
chỗ bán đồ ăn duy nhất gần đó. Có nhiều đường khác nhanh hơn để nghi
phạm của họ chạy trốn nhưng Sachs vẫn tập trung rà soát chỗ đó, dựa trên
một giả thuyết hơi khó tin đó là nhà hàng này sẽ có nhiều nhân viên bất hợp
pháp hơn các cửa hàng khác, những người này sẽ không hợp tác bằng,
không muốn nêu tên và địa chỉ để ra làm nhân chứng.
Như cô đã đoán, không một ai, từ quản lý nhà hàng cho tới người rửa bát
đĩa, nhìn thấy một kẻ nào đáng nghi.