Tôi nổi giận, thực sự nổi giận: “Tôi không cần!” Tôi nhét lại tiền vào túi
cô ấy.
Cô ấy mặc kệ tôi, tiến lại trước cửa tòa nhà, quẹt thẻ bước vào, cánh cửa
nặng nề đóng lại. Tôi chạy tới nhưng cửa đã tự động khóa, không có thẻ từ
không vào được.
Tôi nhìn qua ô cửa gọi cô ấy: “Bạch Khiết, chuyện này chị có thể không
tin tôi, nhưng có một chuyện phải nghe tôi nói hết!”
Cô ấy đang đợi thang máy, nhắm mắt mặc kệ tôi gào thét. Tôi lấy điện
thoại bấm số của cô ấy. Một giọt nước nhỏ xuống màn hình, không biết
nước mắt tôi rơi từ bao giờ. Cô ấy lấy điện thoại ra, thấy là tôi thì quay sang
nói: “Ân Nhiên, xin cậu về sau đừng làm phiền tôi nữa! Tôi có cuộc sống
của tôi! Xin hãy tự trọng!” Thang máy tới, cô ấy bước vào, khi cửa thang
máy đóng lại trái tim tôi cũng đóng, tôi không còn hy vọng gì nữa.
Bước đi trên con đường thanh vắng lạnh lẽo, những chiếc đèn đường
màu vàng chiếu xuống mặt đường với hình nón như trong truyện tranh, cô
đơn mà bé nhỏ. Tôi nhận ra không đáng nhất là nước mắt tôi, sao lại dễ
dàng rơi như thế.
Căn phòng dưới tầng hầm tám chục tệ một tháng trước đây của tôi hồi đó
đã nộp hơn hai trăm tệ tiền thuê trong một quý, giờ vẫn chưa hết hạn.
Nằm dưới tầng hầm, không biết tâm trạng bực bội hay không khí bức
bối, nằm thế nào cũng không thoải mái, nhìn di động thì thấy đã hơn một
giờ sáng rồi. Cầm điện thoại gọi vẫn là cho Bạch Khiết, nghĩ đi nghĩ lại
thấy vẫn nên nhắn tin thì hơn: “Chị Bạch, nửa đêm làm phiền chị, thật mạo
muội, tôi có vài lời muốn nói. Tôi không xin chị lượng thứ, tôi có sự tôn
nghiêm, có nguyên tắc làm người của mình. Nếu chị đã cho rằng tôi là loại
ngụy quân tử thì tôi cũng chịu. Nhưng chị Bạch, tôi được biết, Trần Thế Mỹ
căn bản không phải ông chủ của chuỗi siêu thị Liên Hoa, công ty họ căn
bản không hề biết người này. Hơn nữa tôi còn biết anh ta là trai bao của
khách sạn nào đó, chuyên đi lừa gạt để kiếm sống, chị phải đề phòng anh
ta.”