Bấy nhiêu sự tàn nhẫn, bấy nhiêu sự cố chấp của cha mẹ tôi đã xác định
hoàn toàn mối ngờ vực của tôi về dòng máu. Tôi chưa hề tìm được lý do
nào khác để tha thứ cho cha mẹ tôi. Hiển nhiên là mẹ tôi sợ một ngày kia
tôi sẽ nêu lại vấn đề chia của cải, tôi sẽ đòi lại phần gia tài của tôi, đánh lộn
sòng con đẻ hoang vào con chính thức. Nhưng cái điều mà trước kia chỉ là
phỏng đoán nay sắp trở thành một điều chắc chắn.
Trong khi bị nhốt trong nhà, tôi ít đi lễ ở ngoài. Tuy nhiên, người ta cũng
đưa tôi đi xưng tội đêm trước những ngày lễ lớn. Tôi đã nói với ông rằng
cha đỡ đầu của tôi. Tôi nói với ông ta, tôi trình bày với ông về tất cả những
cái người ta đối xử khắc nghiệt với tôi trong ngần ba năm qua. Ông ta cũng
biết những việc ấy. Đặc biệt tôi phàn nàn với ông về mẹ tôi với tất cả sự
chua xót và giận hờn. Giáo sĩ ấy vào nghề muộn, ông vẫn có lòng nhân đạo,
ông im lặng và nghe tôi nói.
- Con ạ! Hãy thương hại mẹ con, thương hại hơn là oán trách bà ta, mẹ
con vốn có tâm địa tốt, con hãy tin chắc rằng bà đối xử như thế là chuyện
cực chẳng đã.
- Cực chẳng đã sao, thưa ông? Ai có thể ép bà phải làm như thế? Chẳng
phải bà đã sinh tôi ra hay sao? Và giữa các chị tôi với tôi có gì khác nhau?
- Nhiều lắm.
- Nhiều lắm! Ông nói tôi không hiểu gì cả…
Tôi sắp đem so sánh các chị tôi và tôi thì ông ngắt lời tôi và bảo:
- Cha mẹ con không phải là những người tàn nhẫn. Con hãy cố gắng kiên
nhẫn chịu đựng số phận của con và ít ra rằng điều đó con sẽ tỏ ra xứng
đáng với Chúa. Cha sẽ nói chuyện với mẹ con và con nên tin chắc rằng cha
sẽ sử dụng tất cả uy tín của cha đối với bà để giúp đỡ con…
Tiếng “nhiều lắm” mà ông giáo sĩ đã dùng để trả lời tôi là một tia sáng
đối với tôi. Tôi không còn nghi ngờ gì nữa: điều tôi phỏng đoán về dòng
máu của tôi là đúng.