với ông Simonin là không gặp tôi nữa, nhưng tôi có thể dùng chiếc bút mà
người ta đưa cho tôi để viết cho bà. Thế là tôi viết trên một mảnh giấy
(mảnh giấy tai hại ấy sau này người ta tìm thấy nó và triệt để lợi dụng để
chống lại tôi): “Thưa mẹ, con lấy làm hối tiếc về những buồn phiền mà con
đã gây ra cho mẹ; con xin lỗi mẹ; con có ý định chấm dứt những buồn
phiền ấy. Mẹ hãy ra lệnh cho con làm bất cứ việc gì: nếu ý của mẹ muốn
con đi tu thì con mong rằng đó cũng chính là ý muốn của Chúa…”
Chị hầu đem mảnh giấy ấy đến cho mẹ tôi. Một lát sau, chị ta lên buồng
tôi và nói với tôi, lòng tràn ngập vui sướng: “Cô ạ, chỉ cần một tiếng thôi là
có thể làm cho cha cô, mẹ cô và cả cô nữa được hạnh phúc, thế sao cô lại
trì hoãn mãi không nói ra? Vì đâu mà lâu nay ông bà cứ bất hòa mãi. Hôm
nay, ông bà có một vẻ mặt mà tôi chưa từng thấy từ khi tôi ở nhà này. Lạy
Chúa! Từ nay về sau, tôi sẽ không phải trông thấy cảnh bất hòa kia nữa…”
Trong khi chị hầu nói, tôi nghĩ rằng tôi vừa ký vào bản án tử hình của
mình và, thưa ông, linh cảm ấy sẽ thành sự thật nếu ông không cứu vớt tôi.
Vài ngày trôi qua, tôi chẳng nghe thấy nói năng gì cả: nhưng một buổi
mai kia, vào lúc chín giờ, cánh cửa buồng tôi thình lình mở ra; ông Simonin
bước vào, mình mặc áo ngủ, đầu đội mũ ngủ. Từ khi tôi biết ông không
phải là cha tôi, sự có mặt của ông làm tôi sợ hãi. Tôi đứng dậy, nghiêng
mình chào. Hình như tôi có hai trái tim: tôi không thể nghĩ đến mẹ tôi mà
không xúc động, mà không muốn khóc; nhưng đối với ông Simonin thì lại
không thế. Một người cha bao giờ cũng gợi lên một tình cảm mà ta không
có đối với bất kỳ một ai khác ở đời: người ta không cảm thấy được điều đó
nếu không như tôi đang phải đối điện với người từ lâu đã mang cái danh
nghĩa thiêng liêng ấy, nhưng bây giờ không còn nữa. Người khác sẽ không
bao giờ biết được điều đó. Đứng trước ông hình như tôi là một người khác,
không giống như khi đứng trước mẹ tôi. Ông bảo tôi:
- Suzanne, con nhận ra mảnh giấy này chứ?
- Thưa vâng.
- Không ai bắt buộc con viết mảnh giấy ấy chứ?