- Con có thể nói rằng: vâng.
- Ít ra con cũng quyết tâm thực hiện điều mà con hứa chứ?
- Con quyết tâm.
- Con chọn tu viện nào?
- Không cần thiết, đối với con tu viện nào cũng thế.
- Được.
Tôi đã trả lời như thế đấy; nhưng khốn thay điều ấy lại không viết ra.
Trong vòng nửa tháng sau tôi không biết gì về những việc xảy ra. Tuồng
như như trong thời gian ấy cha mẹ tôi đã đi hỏi nhiều tu viện, nhưng ở đâu
người ta cũng không muốn nhận tôi: việc tôi làm ầm ĩ chuyến trước đã
ngăn trở người ta tiếp nhận lời thỉnh cầu vào tu viện của tôi. Ở tu viện
Longchamp
, mẹ tôi cùng đi với tôi. Tôi đã không xin đến từ biệt ông
Simonin; thú thật, khi đi đường tôi mới nhớ đến việc ấy. Người ta đợi tôi ở
tu viện. Người ta đã báo trước chuyện cũ của tôi và cả tài năng của tôi,
nhưng tu viện ấy lại không chú ý đến chuyện cũ mà chỉ nóng lòng xem thử
việc kiếm được tôi có bõ không. Sau khi đã nói với tôi những chuyện đâu
đâu – vì sau những việc đã xảy ra, chắc ông cũng biết rằng người ta không
còn nói với tôi về Chúa, về chí hướng, về đường đời nguy hiểm, về cuộc
sống tu hành êm dịu, hơn nữa, cũng không dám nhắc với tôi một lời về
những điều nhạt nhẽo, vô vị, thường dùng để khuyên nhủ một nữ tu mới
đến dốc lòng theo đạo – thì bà nhất nói: “Con biết âm nhạc, con biết hát;
chúng ta có đàn phong cầm; nếu con muốn, chúng ta sẽ đi vào phòng
khách…”
Tôi thấy lòng thắt lại, nhưng không phải lúc để tỏ nỗi ghê tởm của mình.
Mẹ tôi đi trước, tôi theo sau, tiếp theo là bà nhất và một vài nữ tu, vì tò mò
nên cũng đi theo. Trời đã tối, người ta đem nến lại cho tôi. Tôi ngồi vào
trước đàn phong cầm, tôi thử đàn hồi lâu; những bài nhạc trước kia đầy rẫy
trong óc mà bây giờ tôi không nhớ lấy được một bài. Nhưng bà nhất giục
tôi và tôi hát theo thói quen, chẳng chú ý gì, vì bài hát đã quá quen thuộc