Tôi cũng nhận được giấy cho phép khiếu nại về lễ phát nguyện của tôi từ
Rome gửi đến. Vụ kiện sắp tiến hành, nhưng ở đây tuyệt nhiên không ai
hay biết gì cả. Ông thử tưởng tượng bà nhất ngạc nhiên biết chừng nào khi
người ta thông đạt cho bà biết lời kháng nghị về lễ phát nguyện của nữ tu sĩ
Marie-Suzanne Simonin với lời thỉnh cầu được bỏ áo tu hành và ra khỏi tu
viện để sống theo ý mình.
Tôi thấy trước là tôi sẽ nhiều phản ứng của tu viện, của luật pháp, của hai
anh rể và hai chị tôi. Họ hoảng hốt, lo lắng, vì họ đã thu tóm hết cả của cải
trong gia đình và cho rằng, sau khi được tự do, tôi có thể đòi lại phần khá
lớn của cải ấy. Tôi viết thư cho hai chị tôi, yêu cầu họ đừng gây trở ngại gì
trong việc tôi ra khỏi tu viện. Tôi kêu gọi lương tâm họ, cho chọ biết rằng
việc tôi làm lễ phát nguyện là bị bắt buộc. Bằng một chứng thư chính thức
gửi cho họ, tôi cam kết từ bỏ mọi tham vọng về quyền thừa kế tài sản của
bố mẹ. Tôi tìm mọi cách để làm cho họ tin rằng việc tôi làm không phải là
do tự lợi hay lòng căm giận thôi thúc. Tôi không làm được cho họ bỏ
những cảm nghĩ của họ. Ho cho rằng chứng từ mà tôi viết cho họ, khi tôi
còn ở tu viện, sau này có thể không có hiệu quả, họ lo rằng khi được tự do
tôi sẽ phủ nhận những đề nghị của tôi: mặt khác chấp nhận những đề nghị
ấy có tiện cho họ không? Có nên để cho một cô em không nhà cửa, không
của cải không? Liệu có thể hưởng được phần gia tài của nó không? Thiên
hạ sẽ nói gì? Nếu cô ta đến xin ăn, liệu có từ chối được không? Nếu cô ta
hứng chí lên mà lấy chồng thì cô ta sẽ lấy hạng người nào? Rồi nếu cô ta có
con?… Phải ra sức chống lại cái ý định nguy hiểm ấy… Đó là những điều
mà hai chị tôi đã tự nhủ và thi hành.
Khi bà nhất vừa nhận được giấy báo của tòa án về vụ kiện của tôi thì bà
vội chạy đến buồng tôi. Bà hỏi:
- Thế nào, xơ Suzanne, xơ muốn từ bỏ chúng tôi sao?
- Thưa mẹ, vâng.
- Và xơ kháng cáo về lễ phát nguyện của xơ?
- Thưa mẹ, vâng.