NỮ TƯỚNG THỜI TRƯNG VƯƠNG - Trang 22

trong hệ thống các võ chức hiện hành. Trong công việc hàng ngày, mọi
người vẫn gọi Lê Chân là chủ làng hay chủ tướng.

Nghĩa dũng quân của An Biên ra đời chỉ có 31 người trong đó có 8 cô gái
khỏe mạnh được chọn làm nữ vệ quân. Em gái họ Lê Chân là Lê Ngà, con
ông chú cũng ở trong số này. Còn những nghĩa quân nam đều là những
người được tuyển lựa kỹ càng, vừa gan dạ, vừa khỏe mạnh.

Bây giờ Lê Chân phải lo cho nghĩa quân tập dượt, lại lo gạo cho dân làng
ăn lâu dài. Nghĩa quân vẫn đi biển, vẫn cắt cú nhưng tối tối lại cùng nhau
tập vật, tập đao, tập múa khiên, tập đánh gậy. Họ tập rất hăng, rất say, và họ
dạy lẫn nhau, ai biết thế nào dạy thế ấy.

Lê Chân lo nhất là khoản gạo. Đánh giặc lâu dài phải có gạo. Làng biển
không có gạo, vẫn lấy cá đổi gạo. Lại còn phải tìm một chỗ nào cho nghĩa
quân ẩn náu, bởi không thể đem cái làng biển An Biên nhỏ bé và trống trải
này ra để chọi nhau với giặc.

Còn dân làng ? Dân chỉ thấy sung sướng khi đội nghĩa quân của mình ra
đời. Đêm nào dân cũng đến xem " quân mình " tập, dân hởi lòng hởi dạ
nhìn " quân mình " khoẻ biết bao, nhanh nhẹn biết bao, và mọi người trầm
trồ khen anh này lăn khiên khéo, anh kia có đường gậy mới kín làm sao !
Lê Chân sợ việc lộ, bèn ra lệnh cho dân không được xem " quân mình "
luyện tập nữa, và nói rõ cho mọi người biết phải kín đáo như thế nào, phải
cẩn thận như thế nào mới có thể chống chọi được với kẻ thù hung ác và xảo
quyệt.

Làng biển lúc này vừa phải chống đỡ với những yêu sách nhũng nhiễu của
giặc, vừa lo tìm cách đánh giặc và phòng giặc đánh.

Chính Lê Chân, người chủ làng gái 22 tuổi phải gánh những mối lo nặng nề
đó.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.