Và chàng đã toan hát tiếp:
“Từ đôi môi ngọt ngào của em
Thấm vào trái tim run rẩy của anh!”
Thì đột nhiên đổi ý nhún vai phán một câu “vớ vẩn” và bỏ lửng bài ca êm
dịu ấy không thèm hát tiếp vì theo ý chàng nó ngây ngô và sến quá, chàng
khước từ nó với một vẻ quả quyết phảng phất u sầu. Bản tình ca thắm thiết
ấy có thể diễn tả nỗi lòng bất kỳ chàng trai trẻ nào, theo cách nói sáo rỗng
thông thường là đã “trao tặng trái tim mình” một cách hợp tình, hợp lý và
đầy triển vọng tương lai cho một ả vịt xiêm khỏe mạnh dưới đồng bằng, và
đang thả hồn trôi theo tâm trạng hợp tình, hợp lý, đầy triển vọng và về cơ
bản đầy hoan hỉ của mình. Nhưng với chàng và mối quan hệ của chàng với
Madame Chauchat - “quan hệ” là từ do chàng tự chọn, chúng tôi hoàn toàn
không chịu trách nhiệm - thì những vần thơ ủy mị kia tuyệt đối không thích
hợp; trong lúc nằm nghỉ trên ghế ngoài ban công chàng nghĩ ngợi rất lung và
đi đến kết luận, bài ca ấy rất “dở hơi”, chẳng đáng giá gì về nghệ thuật, để
rồi chun mũi khinh rẻ cắt đứt nửa chừng dòng suy nghĩ, mặc dù vẫn chẳng
tìm được cái gì thích hợp hơn cho tâm trạng của mình.
Nhưng chàng lại tìm thấy cái thú nằm trên ghế lắng nghe nhịp đập của trái
tim, trái tim theo nghĩa thể xác chứ không phải trái tim tình cảm, tiếng đập
dồn dập vang lên rõ mồn một trong bầu không khí tĩnh lặng bao trùm ‘Sơn
trang’, theo đúng quy định của những giờ nằm điều dưỡng. Trái tim chàng
đập dai dẳng và khẩn thiết, như rất thường xảy ra từ khi chàng lên trên này;
có điều gần đây Hans Castorp không thấy khó chịu quá với nó như những
ngày đầu nữa. Bây giờ không thể bảo rằng nó tăng nhịp đập một cách vô cớ,
tự thân vận động và chẳng liên quan gì với linh hồn. Một mối liên quan nếu
không có sẵn thì cũng đã dễ dàng được hình thành, một biến động tinh thần
có cơ sở đã tự nguyện hỗ trợ cho hành vi đầy kích động của cơ thể. Hans
Castorp chỉ cần nghĩ đến Madame Chauchat - và chàng thường xuyên nghĩ
đến cô ta - là đủ để tạo cho trái tim đập dồn của chàng một trạng thái tinh
thần phù hợp.