“Lời lẽ để làm gì?” Chàng bảo. “Cần gì phải nói? Nói năng, phung phí
lời lẽ, đó là cung cách cộng hòa, đúng thế. Nhưng tôi sợ rằng không phải cứ
nói nhiều là thành thi sĩ. Có một người trong số bệnh nhân ở đây, tôi gần
như đã kết bạn với ông ấy, ông Settembrini…”
“Người lúc nãy vừa mới tuôn ra một tràng dài những lời gì đó với anh.”
“Ừ, ông ấy đúng là một nhà hùng biện, không còn nghi ngờ gì nữa, ông
ấy lúc nào cũng trích dẫn được ở đâu đó ra vài câu thơ hợp tình hợp cảnh -
nhưng liệu ông ta có phải là thi sĩ không?”
“Rất tiếc tôi chưa bao giờ có cái hân hạnh được làm quen với con người
hào hoa phong nhã ấy.”
“Tôi rất muốn tin như thế.”
“A! Anh muốn tin.”
“Sao cơ? Đấy chỉ là một câu cửa miệng thôi mà. Như em hẳn cũng thấy,
tôi không quen nói tiếng Pháp. Nhưng với em tôi lại thích dùng tiếng Pháp
hơn tiếng mẹ đẻ của mình, vì nói tiếng Pháp đối với tôi cũng đại khái như
nói mà không nói - không có gì ràng buộc cả, như nói trong mơ vậy. Em
hiểu không?”
“Hiểu lơ mơ thôi.”
“Thế cũng đủ… Lời lẽ”, Hans Castorp tiếp tục, “nghèo nàn lắm! Trong
cõi vĩnh hằng người ta không cần lời lẽ! Trong cõi vĩnh hằng, em biết không,
người ta xử sự giống như lúc vẽ heo ấy: ngửa đầu ra sau và nhắm mắt lại.”
“Nghe hay đấy! Anh tỏ ra thông thạo cõi vĩnh hằng quá nhỉ, có thể nói, ở
trong cõi ấy anh thoải mái tự nhiên như ở nhà. Phải công nhận rằng anh là
một chú bé mơ mộng khá khác thường.”
“Hơn nữa”, Hans Castorp bảo, “nếu tôi bắt chuyện với em từ trước thì đã
phải gọi em là ‘bà’ rồi!”
“Ô hay, thế anh định từ nay về sau cứ gọi tôi là em hay sao?”
“Đúng thế. Từ trước tới nay tôi vẫn gọi em là ‘em’, và từ nay vĩnh viễn về
sau tôi cũng sẽ gọi em như thế.”
“Anh hơi quá lố rồi đấy. Tuy nhiên anh cũng không còn được bao nhiêu
cơ hội để gọi tôi bằng ‘em’ nữa đâu. Tôi sắp xuống núi.”