mái tóc óng ánh màu đồng đỏ tết thành bím quấn quanh đầu như một vành
hoa. “Ông hẳn cũng biết điều gì phải đến sẽ đến, thưa ông.”
Nhưng Hans Castorp lắc đầu, hai mắt nhắm nghiền và vẫn không thay đổi
tư thế. Chàng trả lời:
“Không bao giờ, Clawdia. Tôi sẽ không bao giờ gọi em bằng ‘bà’, cả khi
còn sống lẫn khi đã chết, nếu người ta được quyền nói thế - người ta phải
được quyền nói thế. Hình thức xưng hô ấy, được coi là lịch lãm trong xã hội
Tây phương văn hóa và văn minh, đối với tôi quá sức tiểu tư sản và thủ cựu.
Hình thức để làm gì kia chứ? Bản thân hình thức đã là cả một sự cố chấp
hẹp hòi! Tất cả những điều mà em và ông đồng hương cùng hội cùng thuyền
của em rút ra từ những triết lý về đạo đức - em tưởng rằng những điều ấy
làm tôi ngạc nhiên lắm hay sao? Chẳng lẽ em coi tôi chỉ là một thằng khờ?
Nói thật đi, em cho tôi là người thế nào?”
“Đấy lại là chuyện khác, chẳng có gì nhiều để nói. Anh là một chú bé có
giáo dục, con nhà tử tế, lịch sự không chê vào đâu được, một học trò ngoan
của các ông thầy, một người sắp trở về dưới đồng bằng để quên hẳn là mình
đã có lần nói trong mơ trên núi, và để gắng sức lao động tốt trong xưởng
đóng tàu, góp phần làm giàu mạnh thêm cho đất nước. Đấy là tấm chân
dung con người anh từ bên trong, chụp hoàn toàn không cần đến máy móc.
Tôi hy vọng anh công nhận là tôi miêu tả đúng?”
“Tấm chân dung ấy thiếu mất một vài chi tiết mà Behrens tìm thấy trong
tôi.”
“Ôi, bác sĩ thì lúc nào cũng tìm thấy cái họ muốn thấy, đấy là nghề của
họ…”
“Em nói cứ như ông Settembrini ấy. Thế còn những cơn sốt của tôi? Do
đâu mà có?”
“Thôi đi, đó chỉ là cảm cúm lặt vặt, chẳng mấy chốc mà lành.”
“Không đâu, Clawdia, em thừa biết là không phải thế, chính em cũng
không tin vào những điều em vừa nói, tôi biết chắc mà. Những cơn sốt làm
rung chuyển cả người tôi, nhịp đập bồi hồi làm trái tim tôi kiệt quệ và chân
tay tôi run rẩy, đó không thể là cảm cúm lặt vặt, vì đó không phải là gì
khác” - và chàng cúi gằm gương mặt tái nhợt, đưa cặp môi run giật sát về