diễn tả một cách văn hoa như sau: vẫn còn trong trạng thái tìm tòi thử
nghiệm...”
“Placet experiri!”
Hans Castorp vừa cười vừa gật gật đầu, cố ý phát âm
chữ c như tiếng Ý.
“Sicuro
- nếu đó là lòng say mê tìm hiểu thế giới chứ không phải những
thử nghiệm chơi bời phóng đãng. Ông vừa mới nhắc đến sự ‘ngông cuồng’,
ông đã sử dụng một cách có lựa chọn khái niệm này. Nhưng sự ‘ngông
cuồng’ của trí tuệ trước những thế lực thiên nhiên đen tối, đó chính là đỉnh
cao chiến thắng của con người, nó có thể chuốc lấy sự trả thù khốc liệt của
các vị thần đố kỵ và đầy ganh tị, peresempio
, con tàu Arche xa hoa của
thời hiện đại đã không vượt qua nổi thử thách và chìm sâu xuống đáy đại
dương
, nhưng đó là một thất bại trong danh dự. Cả hành động anh hùng
của Prometheus cũng rất ngông cuồng, và nỗi thống khổ vị thần này phải
chịu đựng khi bị xích vào chân núi đá xứ Scythia được chúng ta ca ngợi là
một sự hy sinh cao cả
. Nhưng còn những hành vi ngông cuồng khác, dẫn
đến bỏ mạng trong các thí nghiệm vô bổ, chịu sự sai khiến của những thế
lực chống lại lý trí và thù địch với loài người? Những hành vi ấy có thể coi
là đầy danh dự được không? Liệu có thể tìm thấy một mảy may danh dự ở
đó không? Sì o no
Hans Castorp cầm thìa khuấy lia lịa trong cái ly cà phê đã cạn tới đáy.
“Ông kỹ sư, ông kỹ sư”, ông người Ý vừa nói vừa gật gật đầu, và đôi mắt
đen nhánh của ông ta lại có cái nhìn đăm đắm như ‘cắm’ vào một điểm,
“ông không sợ bão tố ở tầng địa ngục thứ hai ư, cơn bão của ham muốn và
nhục dục, những điều trần tục xui khiến người ta hy sinh trí tuệ cho thú vui
xác thịt
? Chúa ơi, chỉ cần hình dung ra cảnh ông quay như chong chóng
trong cơn gió lốc, chân tay vùng vẫy khua loạn xạ, là tôi có thể lăn đùng ra
chết vì đau khổ...”
Tất cả bọn họ phá lên cười vui vẻ, nhẹ người vì cuối cùng ông văn sĩ đã
chuyển sang giọng hài hước thường ngày. Nhưng rồi Settembrini lại nói
tiếp:
“Trong đêm hội hóa trang, bên ly rượu, ông còn nhớ chứ, ông kỹ sư, lúc
ấy có thể nói là ông đã lên tiếng từ biệt tôi, thật mà, ít nhất thì tôi cũng hiểu