được mình để lại trở nên tốt đẹp, hạnh phúc và hoàn thiện, và nhất định con
người sẽ đạt tới mục tiêu đó...”
“Ông Settembrini quên mất một điều”, Naphta nhảy vào, “rằng bức họa
thế giới lý tưởng của Rousseau
là một sự bóp méo duy lý trí các giáo lý
của nhà thờ về cuộc sống của con người ở cái thuở còn hồn nhiên chưa biết
thiết lập nhà nước, về sự gần gũi trực tiếp và mối liên hệ chặt chẽ giữa con
người thời ấy với Chúa, về cái trạng thái sơ khai đầy sung sướng mà họ nên
quay trở lại. Việc tái thiết lập nước Chúa sau khi đã xóa bỏ tất cả các hình
thức tổ chức xã hội của con người diễn ra ở đó, nơi tiếp xúc giữa trời và đất,
giữa xúc cảm và siêu cảm, sự cứu rỗi chính là siêu nghiệm. Thêm vào đó
phải biết rằng cái thế giới tư bản đại đồng của ông, ông tiến sĩ, chẳng ăn
nhập gì với từ ‘bản năng’ ông dùng ở đây. Bản năng rõ ràng mang tính dân
tộc, đích thân Chúa đã cấy bản năng tự nhiên vào con người, để những nhóm
chủng tộc riêng bỗng nảy sinh nhu cầu thành lập nhà nước riêng của mình.
Chiến tranh...”
“Chiến tranh”, Settembrini kêu lên, “bản thân chiến tranh, thưa ông giáo
sư, cũng đã từng phục vụ mục đích tiến bộ, ông phải đồng ý với tôi điều này
nếu ông chịu nhớ lại những sự kiện lịch sử ở thời đại yêu thích của ông, ý tôi
muốn nói đến các cuộc thập tự chinh thời Trung cổ! Các cuộc chinh phạt của
nền văn minh này may mắn làm sao đã tạo điều kiện thuận lợi cho mối bang
giao kinh tế và thương mại giữa các dân tộc, cũng như đã thống nhất xã hội
phương Tây dưới biểu tượng của một lý tưởng duy nhất.”
“Ông thật vô cùng nhẫn nại với lý tưởng. Vì vậy tôi buộc phải cải chính
lời ông một cách vô cùng lịch sự rằng, các cuộc thập tự chinh này cùng với
việc mở mang mạng lưới giao thông không hề có tác dụng san bằng sự khác
biệt giữa các dân tộc, ngược lại là đằng khác, nó dạy cho các dân tộc nhận
biết sự khác biệt giữa mình với người và hỗ trợ tích cực cho việc nâng cao
tư tưởng nhà nước quốc gia.”
“Đúng lắm, nhưng chỉ đúng trong phạm vi quan hệ giữa các dân tộc theo
quan điểm của nhà thờ. Vâng! Ngay từ thời bấy giờ lòng tự hào dân tộc và ý
thức quốc gia đã bắt đầu trỗi dậy chống lại sự lộng hành lạm dụng đẳng
cấp...”