“Ôi người ơi, ở trên này cậu đã học hỏi được vô số điều thông thái rồi,
nào là sinh vật học và thực vật học và thiên văn học nữa. Và ngay từ ngày
đầu tiên cậu đã xổ ra một mớ triết lý về ‘thời gian’. Thế nhưng mục đích của
chúng mình ở đây là để khỏe hơn chứ không phải thông thái hơn - khỏe hơn
và khỏe hẳn, để cuối cùng người ta phải trả lại tự do cho chúng ta, để ta có
thể tuyên bố đã lành bệnh và về lại đồng bằng.”
“Núi non là nhà của tự do”
, Hans Castorp đáp tỉnh bơ. “Nhưng trước
tiên cậu hãy thử giải thích cho tớ tự do là cái gì đã”, chàng tiếp tục. “Lúc
nãy Naphta và Settembrini cũng cãi rất hăng về điểm này và không thể nào
thống nhất được với nhau. ‘Tự do là luật lệ của bác ái!’ Settembrini bảo thế,
và phương châm này nghe từa tựa như tư tưởng của ông cha ông ta, chiến sĩ
đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhưng người ông vốn là thành
viên hội kín Carbonari có dũng cảm đến đâu chăng nữa, và bản thân ông
Settembrini của chúng ta có dũng cảm đến đâu chăng nữa...”
“Phải rồi, mỗi khi đụng đến lòng dũng cảm cá nhân ông ta lại có vẻ như
bị chạm nọc.”
“... thì tớ vẫn có cảm tưởng ông ấy sợ một điều gì đó, điều mà Naphta
không sợ, cậu hiểu không, và vì thế tự do và can đảm của ông ta cũng chỉ
mang tính hình thức... Cậu nghĩ sao, liệu ông ta có đủ dũng cảm để de se
perdre ou même de se laisser dépérir
không?”
“Cậu bắt đầu nói tiếng Pháp từ khi nào thế?”
“Có gì đâu... Trên này ngự trị bầu không khí quốc tế mà. Tớ không biết ai
là người sẵn sàng chấp nhận tự hủy diệt:
Settembrini với giấc mơ thế giới đại đồng cho toàn nhân loại, hay là
Naphta với quan điểm đấu tranh giai cấp không khoan nhượng. Chắc cậu
cũng để ý, tớ đã tập trung hết sức lắng nghe, nhưng chẳng những không thấy
sáng ra tí nào mà ngược lại càng nghe càng mù tịt.”
“Thì lúc nào chả thế. Rồi cậu sẽ thấy, diễn thuyết và ngôn luận chỉ tung
thêm hỏa mù mà thôi. Tớ bảo thật, quan trọng không phải ở lời nói mà là ở
hành động, ở chỗ phải tỏ ra mình là một gã đàn ông thực thụ. Tốt nhất là
không có ý kiến gì ráo và chỉ biết hoàn thành nhiệm vụ mà thôi.”