cớ nhận lời mời của Naphta - và chàng ta đã tới thăm đáp lễ ông này, với sự
tham gia chẳng biết là tự nguyện hay miễn cưỡng của Joachim, chỉ mấy
ngày sau cuộc gặp gỡ đầu tiên, vào một buổi chiều chủ nhật sau cữ nằm nghỉ
chính.
Từ ‘Sơn trang’ xuống ngôi nhà nhỏ tường phủ kín dây nho dại chỉ mấy
phút đi bộ. Họ bước vào cửa chính, bỏ qua cánh cửa thông sang gian hàng
tạp hóa ở bên phải, leo lên cái cầu thang hẹp bậc gỗ nâu xỉn dẫn thẳng tới
một cánh cửa bên cạnh nút chuông chỉ có độc tấm bảng nhỏ đề tên Lukaček,
ông thợ may trang phục phụ nữ. Người mở cửa cho họ là một thiếu niên mặc
đồng phục gia nhân áo khoác kẻ sọc, chân mang ghệt, tóc húi cao, hai má đỏ
hồng. Họ hỏi thăm nhà giáo sư Naphta, và vì không mang theo danh thiếp
nên họ bắt thằng bé lặp lại tên từng người để vào thưa với ông ta. Cánh cửa
đối diện với cầu thang chỗ họ đứng để ngỏ, cho phép khách nhìn thông
thống vào trong tiệm may, nơi ông Lukaček ngồi xếp chân bằng tròn múa
kim nhoay nhoáy, mặc dù ngày hôm ấy là chủ nhật. Ông thợ may là một
người đàn ông xanh xao đầu sói sọi, có bộ ria như thò ra từ cái mũi nhòm
mồm quá khổ rủ xuống hai bên mép khiến nét mặt ông ta đầy vẻ âu sầu.
“Chào ông!” Hans Castorp bắt chuyện.
“Rước ông lại chơi!” Ông ta đáp lời theo lối dân địa phương, giọng Thụy
Sĩ chẳng ăn nhập gì với cái tên và hình thức bề ngoài của ông ta, vang lên
hoàn toàn bất ngờ, thậm chí có thể bảo là không đúng chỗ.
“Ông siêng quá nhỉ?” Hans Castorp gật đầu tiếp tục gợi chuyện. “Hôm
nay là chủ nhật cơ mà!”
“Phải làm gấp”, Lukaček đáp cụt ngủn, tay vẫn vung kim lia lịa.
“Chắc là đơn đặt hàng đặc biệt”, Hans Castorp phỏng đoán, “cần xong
gấp cho kịp một dịp lễ lạt gì đó, phải không ông?”
Ông thợ may để mặc câu hỏi lơ lửng một lát trong không trung, ghé răng
cắn đứt sợi chỉ và xâu vào kim một sợi mới, xong đâu đó mới thủng thẳng
gật đầu.
“Áo đẹp không ông?” Hans Castorp vẫn chưa chịu thôi. “Có tay hay là
không tay?”