năm một ngàn ba trăm bao nhiêu đấy. Chà, đó là thời Trung cổ như người ta
vẫn gọi trong sách vở, ở đây tôi cũng ít nhiều nhận ra dấu ấn của thời kỳ ấy,
theo những gì tôi hình dung về giai đoạn lịch sử này trong thời gian gần đây.
Thực ra tôi chẳng hiểu biết bao nhiêu về lịch sử, vì tôi là một con người của
tiến bộ kỹ thuật, mong ông hiểu cho. Nhưng ở trên này những hình dung về
thời Trung cổ bỗng thường xuyên ám ảnh tôi. Thời ấy chưa làm gì có thuyết
xã hội học kinh tế, cái ấy hẳn đã rõ. Người nghệ sĩ sáng tạo ra báu vật này là
ai vậy, thưa ông?” Naphta nhún vai.
“Cái ấy thì có gì là hệ trọng?” Ông ta bảo. “Chúng ta chẳng nên hỏi tên
người nghệ sĩ, cũng như hồi ấy, khi tác phẩm ra đời, có ai hỏi đến tác giả
đâu. Kiệt tác ấy không do một quý ông nào đó giữ bản quyền, nó là một tác
phẩm vô danh, một sáng tạo tập thể. Cũng phải nói thêm rằng nó ra đời
trong một giai đoạn đã khá tiến bộ của thời Trung cổ, theo trường phái
Gothic, một Signum mortificationis
. Ở đó ông sẽ không tìm thấy những cố
gắng nương nhẹ và tô hồng với dụng ý làm đẹp như người ta ưa thể hiện
Đấng cứu thế ở thời tiền Gothic, thời đại thịnh hành của trường phái nghệ
thuật Roman; như ông thấy đấy, Chúa Jesus ở đây không có vòng hào quang
bao quanh đầu, không kiêu hãnh vượt lên trên thế gian và chiến thắng mọi
khổ hình. Ở đây nỗi đau khổ tột cùng và sự yếu hèn của xác thịt được phơi
bày một cách trần trụi. Phải đợi đến thời Gothic mỹ thuật mới thể hiện được
đúng ý nghĩa của sự yếm thế và khổ hạnh. Chắc ông không biết tác phẩm
Bàn về nỗi khổ nhân gian của Innozenz Đệ tam
đâu nhỉ, đó là một áng văn
rất dí dỏm được soạn từ cuối thế kỷ thứ mười hai, nhưng mãi đến khi tác
phẩm điêu khắc này ra đời nó mới có một hình ảnh minh họa xứng đáng.”
“Thưa ông Naphta”, Hans Castorp lên tiếng sau khi hít vào một hơi dài.
“Mỗi một lời ông nói ra đều vô cùng lý thú đối với tôi. Lúc nãy ông nhắc
đến ‘Signum mortificationis’ phải không ạ? Tôi sẽ cố ghi nhớ từ này. Và ông
còn nói đến ‘vô danh và tập thể’, có vẻ như điều đó cũng rất đáng bỏ công
suy nghĩ. Rất tiếc ông đã phỏng đoán chẳng hề sai, rằng tôi không biết tới
trước tác của vị Giáo hoàng kia - tôi đoán chừng Innozenz Đệ tam là một vị
Giáo hoàng. Không biết tôi hiểu có đúng không, nhưng hình như ông bảo
rằng áng văn này trình bày về sự khổ hạnh và đồng thời lại dí dỏm? Thật