đang khoan khoái xoa xoa hai bàn tay vàng vọt, lưng bàn tay mé ngón út
mọc lưa thưa mấy cọng lông đen, nhặt một miếng bánh ga tô trong giỏ và
ngồi nhấm nháp lát bánh cắt mỏng hình bán nguyệt có những sợi sôcôla
xuyên qua lớp bột xốp với thái độ tán thưởng ra mặt.
Câu chuyện tiếp tục xoay quanh tác phẩm điêu khắc, mối quan tâm chính
của Hans Castorp, chàng vẫn vừa dán mắt vào góc ấy khi nói, vừa hướng lời
về phía ông Settembrini, tìm cách lôi kéo ông ta vào việc phân tích bình luận
tác phẩm nghệ thuật này - mặc dù có thể thấy rõ mối ác cảm không giấu
giếm của ông người Ý đối với món đồ trang trí kệch cỡm kia, thể hiện cả
trên nét mặt và trong cử chỉ: ông ta cố ý chọn chỗ ngồi quay lưng lại góc đặt
bức tượng. Thừa lịch thiệp để không nói huỵch toẹt ra tất cả những suy nghĩ
trong đầu mình, ông ta giới hạn ở chỗ phê phán những khiếm khuyết về tỉ lệ
và hình thức các nhân vật trong nhóm tượng là phản tự nhiên, và cho rằng
nguyên nhân của nó không phải nằm ở sự thiếu hiểu biết của người xưa, mà
là một sự ác ý có chủ tâm, nảy sinh từ một nguyên tắc cơ bản thù địch với
các giá trị chân thiện mỹ - tới đây Naphta nhảy vào tán thưởng bằng giọng
mỉa mai. Đúng thế, không thể bảo sự mất cân đối ở đây là sai sót về mặt kỹ
thuật, mà đó chính là sự tự giải phóng một cách có ý thức của tinh thần, một
sự hạ bệ thiên nhiên bằng thái độ không quy phục, được thể hiện rõ rệt qua
tôn giáo. Nhưng khi Settembrini vừa mới cất giọng hùng hồn phê phán thái
độ rẻ rúng thiên nhiên và lơ là việc nghiên cứu các quy luật tự nhiên là sai
lầm lớn nhất trong lịch sử nhân loại, chỉ trích sự phủ nhận hình thức đến
mức ngu xuẩn của thời Trung cổ và các thời đại rập khuôn theo nó, ca ngợi
di sản của nền văn hóa cổ đại Hy Lạp-La Mã, ca ngợi vẻ đẹp cổ điển, ca
ngợi hình thức, trí tuệ và tính hồn nhiên lạc quan, những điều có tác dụng hỗ
trợ đặc biệt cho nền văn minh nhân loại, thì Hans Castorp đâm vào ngang
xương với câu hỏi, nếu thiên nhiên và các sản phẩm của nó tốt đẹp như thế
thì cớ sao Plotinus lại tuyên bố ông ta lấy làm hổ thẹn vì thân thể của mình,
điều này có bằng chứng rành rành trên giấy trắng mực đen, và tại sao
Voltaire lại phẫn nộ nhân danh trí tuệ phản kháng trận động đất kinh hoàng ở
Lisbon? Nực cười ư? Những cử chỉ của các vĩ nhân kia có vẻ nực cười,
nhưng nếu xem xét kỹ trên mọi phương diện người ta sẽ thấy sự ngây ngô