kết cho là những kẻ hạ bệ trái đất - chính là những viên ngọc quý đời đời
trang điểm cho hành tinh tươi đẹp của chúng ta!!!”
Ông Settembrini có cách đặt câu hỏi tu từ một cách hùng hồn không thể
tả. Ông ta ngồi ưỡn ngực, đầu ngẩng cao, ào ào trút những lời lẽ kiêu hãnh
xuống đầu ông Naphta bé nhỏ, đến câu cuối còn cất cao giọng khiến người
nghe chắc mẩm đối phương của ông chỉ còn cách ngậm miệng vì xấu hổ.
Miếng bánh ga tô ông ta cầm khư khư trên tay suốt thời gian tranh luận bị bỏ
trở xuống đĩa, ông ta tỏ ý không muốn cắn vào đó nữa sau những câu hỏi
gay gắt vừa rồi.
Naphta đáp, bình tĩnh một cách đáng ngại.
“Ông bạn thân mến, trên đời này không có nhận thức khách quan. Tính
hợp thức của các giáo lý Thiên Chúa giáo có thể gói trọn trong câu châm
ngôn của Thánh Augustine
: ‘Có niềm tin mới có nhận thức’, đó là điều
hiển nhiên không ai có thể phủ nhận. Niềm tin là cốt lõi của nhận thức, tri
thức chỉ là thứ yếu. Khoa học với sự chính xác tuyệt đối mà ông nhắc tới chỉ
là huyền thoại. Một niềm tin, một thế giới quan, một tư tưởng, tóm lại: một
ý chí, luôn luôn tồn tại, và nhiệm vụ của lý trí là phải giải thích, phải chứng
minh nó. Mục tiêu cuối cùng trong mọi trường hợp là lời kết luận ‘Quod
erat demonstrandum’
. Bản thân khái niệm chứng minh, xét về phương
diện tâm lý, đã bao hàm yếu tố duy tâm. Các triết gia trường phái kinh viện
từ hồi thế kỷ mười hai và mười ba đã thống nhất với nhau rằng, không có
điều gì thần học bảo là sai mà triết học có thể bảo là đúng. Nếu ông không
vừa ý ta có thể gạt thần học sang bên, nhưng nếu một người theo chủ nghĩa
nhân văn mà không nhận thức được một điều cơ bản rằng, điều gì triết học
đã bảo là sai thì khoa học không thể coi là đúng, thì không đáng được mang
danh hiệu này. Tuyên bố của Giáo hội trong trường hợp Galilei
chỉ khẳng
định rằng, các phát biểu của ông ta hoàn toàn phi lý về mặt triết học. Không
có lý lẽ nào xác đáng hơn thế nữa.”
“Ái chà, nhưng các phát biểu của thiên tài tội nghiệp Galilei đã được
chứng minh là hoàn toàn đúng! Không, chúng ta phải tranh luận một cách
nghiêm túc hơn, thưa giáo sư! Xin ông hãy trả lời giùm tôi một câu hỏi,
trước mặt hai thanh niên ham học và cầu tiến bộ này: Ông có tin vào chân