học tự nhiên phản triết học ấy mới là điều đưa con người trở về u tối và càng
ngày càng chìm đắm trong bóng tối.”
“Những điều ông đang nói đích thị là chủ nghĩa thực dụng”, Settembrini
phản đối, “chỉ cần quy chiếu sang lĩnh vực chính trị là sẽ thấy ngay tất cả sự
hủ bại của nó. Thế ra, cái gì phục vụ nhà nước thì cái ấy là chân lý và công
lý. An ninh, danh dự, quyền lực của nhà nước là tiêu chuẩn đạo đức của xã
hội. Hay lắm! Với triết lý ấy ông sẽ mở đường cho tất cả các loại tội phạm
thả sức hoành hành, lúc bấy giờ cái chân cái thiện của nhân loại, công bằng
cá nhân và dân chủ sẽ đi đời nhà ma...”
“Tôi muốn đóng góp vào đây chút ít logic”, Naphta bật lại. “Giả sử
Ptolemaeus và triết học kinh viện nói đúng, vũ trụ hữu hạn cả về thời gian
lẫn không gian. Khi ấy Chúa là đấng siêu nhiên, sự đối lập giữa Chúa và
thiên nhiên được giữ vững, con người sẽ là một thực thể nhị nguyên, và như
thế vấn đề lớn nhất của linh hồn là xung đột giữa cảm xúc và ngoại cảm còn
tất cả các xung đột xã hội chỉ là thứ yếu. Tôi thấy chỉ có một chủ nghĩa cá
nhân như vậy là đảm bảo tính nhất quán. Ngược lại, cứ cho là các nhà thiên
văn học thời Phục hưng của ông đã tìm ra chân lý, và vũ trụ vô cùng vô tận.
Như vậy chẳng làm gì có cả ngoại cảm lẫn thuyết nhị nguyên, thế giới bên
kia lồng vào làm một với thế giới bên này, sự đối lập giữa Chúa và thiên
nhiên không tồn tại, trong trường hợp ấy linh hồn con người không còn là
đấu trường của hai nguyên tắc thù địch mà sẽ là một sự hòa trộn, đồng nhất
giữa phần con và phần người, và xung đột nội tâm của con người sẽ chỉ còn
là xung đột quyền lợi giữa chung và riêng, và mục đích của nhà nước, đúng
như tính chất trần tục của nó, sẽ thành tiêu chuẩn đạo đức. Cái này hay là cái
kia.”
“Tôi phản đối!” Settembrini kêu lên, duỗi thẳng cánh chìa tách trà đang
cầm trên tay về phía chủ nhà. “Tôi phản đối luận điệu cho rằng mô hình nhà
nước hiện đại là mưu ma chước quỷ nhằm nô lệ hóa cá nhân! Tôi phản đối
ba lần cái giải pháp mập mờ nửa Phổ nửa Gothic mà ông định bày vẽ cho
chúng tôi! Dân chủ không có mục đích nào khác ngoài mục đích điều chỉnh
tự do cá nhân trong khuôn khổ nhà nước chuyên chế, bất kể dưới hình thức
nào. Chân lý và công lý là những viên ngọc quý của tự do cá nhân, một đôi