là một sự thật hiển nhiên đập ngay vào mắt người ta, vì cũng giống như ở
thời Trung cổ, tất cả các mối quan hệ công tư đều gắn liền với đất đai, kể cả
- nói ra điều này hoàn toàn không dễ đối với tôi - kể cả tư cách địa vị. Vì chỉ
có đất đai nuôi sống con người, nên cũng chỉ có nó mang lại tự do cho con
người. Thợ thủ công và nông dân, dù cho họ có được coi trọng đến mức nào
đi chăng nữa, cũng không phải là tầng lớp sở hữu đất đai, cho nên họ phải
làm nô lệ cho địa chủ và chúa đất. Thậm chí cho đến giai đoạn sau của thời
Trung cổ phần lớn dân thành thị cũng vẫn còn là nô lệ. Nãy giờ ông có đôi
khi nhắc tới phẩm giá con người. Thế mà ông lại đồng thời hăng hái bảo vệ
một mô hình kinh tế không có tự do và không tôn trọng nhân cách.”
“Về phẩm giá và mất nhân cách”, Naphta trả lời, “còn phải tranh cãi nhiều
nữa. Trước mắt tôi tạm hài lòng với việc vạch ra cho ông thấy ở đây tự do
không phải là một từ sáo rỗng kêu choang choang mà phải nhìn nhận như
một vấn đề nghiêm túc. Ông lập luận rằng, mô hình kinh tế của Cơ Đốc
giáo, với đầy đủ sự ưu việt và tính nhân đạo của nó, tước đoạt tự do của con
người. Ngược lại, tôi khẳng định rằng, vấn đề tự do, nói một cách cụ thể hơn
là vấn đề đô thị, trong lịch sử luôn gắn liền với sự suy đồi vô nhân tính của
nền kinh tế, kéo theo những hậu quả tàn bạo của hệ thống thương mại và
hoạt động đầu cơ tích trữ với quyền lực ma quỷ của đồng tiền, của hệ thống
tài chính.”
“Xin ông đừng ẩn nấp sau những lý sự vòng vo và ngụy biện, mà hãy thú
nhận thẳng thắn, không lập lờ rằng ông ủng hộ hành động bạo lực đen tối
nhất!”
“Bước đầu tiên dẫn đến tự do và nhân đạo là phải đánh tan nỗi sợ khái
niệm ‘bạo lực’ đi.”
“Thôi đủ rồi”, ông Settembrini kết luận giọng hơi rung rung, vừa nói vừa
đẩy tách trà và đĩa bánh đã trống trơn ra xa, quả quyết đứng lên khỏi chỗ.
“Hôm nay thế là đủ, đi một ngày đàng học thế là nhiều rồi. Ông giáo sư, xin
cảm ơn ông về lòng hiếu khách và cuộc mạn đàm trí tuệ vừa rồi. Các bạn tôi
ở ‘Sơn trang’ còn phải về làm nhiệm vụ, và tôi thì tha thiết muốn giới thiệu
tệ xá của mình với họ trước lúc chia tay. Ta đi thôi, các ông. Tạm biệt đức
cha!”